Bảo vệ an toàn cho Thủ đô, tái lập các hoạt động phát triển kinh tế trong điều kiện tốt nhất
Mở cửa thận trọng, từng bước
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc "giao thông thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt", việc thí điểm khôi phục các đường bay nội địa trong ngày đầu tiên (10/10) đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các địa phương, các hãng hàng không thực hiện đồng loạt, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19.
Việc này là tín hiệu tích cực, cho thấy dịch bệnh đã và đang được kiểm soát, các hoạt động giao thương phát triển kinh tế sẽ dần được nối lại. Việc Bộ GTVT mở lại các đường bay với sự phối hợp của một số tỉnh thành còn đáp ứng một lượng lớn nhu cầu đi lại của người dân vốn bị “đóng băng” suốt mấy tháng nay. Bằng chứng là ngay trong ngày đầu khôi phục lại các chuyến bay nội địa, các chuyến bay của các hãng hàng không đều đã kín chỗ. Có những chuyến bay thậm chí gần như kín chỗ trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 10, 11, 12/10.
Hà Nội khai thác lại 2 đường bay Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày từ ngày 10/10 |
Việc này cũng cho thấy nỗ lực của các địa phương, mặc dù đứng trước nỗi lo bảo toàn kết quả phòng, chống dịch nhưng vẫn mạnh dạn thực hiện thí điểm. Nhất là với Hà Nội, nơi có sân bay Nội Bài- vốn là đầu mối giao thông trọng điểm của cả nước, khi có dịch bệnh hay vấn đề gì đó thì nơi đây sẽ là nơi đóng trước mở sau.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa ngày 6/10, trước ý kiến của cử tri liên quan tới việc mở lại các đường bay nội địa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, chủ trương của thành phố là phải an toàn, TP phải phối hợp với các ngành của Trung ương để thống nhất, có kiểm soát, lộ trình.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nếu mở ngay 385 chuyến bay theo đề xuất, thật sự sẽ là thách thức với năng lực của Thủ đô khi có hàng vạn người về Hà Nội mỗi ngày, như vậy sẽ quá tải cho hệ thống cách ly hiện có.
Vì vậy, khi quyết định khai thác lại 2 đường bay Hà Nội - TP HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày từ ngày 10/10, Hà Nội đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho phép thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch cao hơn quy định của Bộ Y tế đối với hành khách trên các chuyến bay từ TP HCM, Đà Nẵng đến Hà Nội.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội nêu rõ, dù những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, số ca nhiễm đã giảm, số khu vực phong tỏa giảm, “vùng xanh” tăng. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và một số khu dân cư có phát sinh một số ca nhiễm trong cộng đồng có nguồn lây từ các địa phương khác trở về, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn thường trực.
Để đảm bảo kiểm soát chặt nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian Hà Nội tiếp tục tiêm trả mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn, UBND TP Hà Nội áp dụng biện pháp cách ly tập trung 7 ngày với khách đi máy bay từ TP HCM đến Nội Bài và lưu trú ở Hà Nội tại các khu cách ly hoặc khách sạn do Hà Nội công bố. Hành khách tự trả các chi phí cách ly và xét nghiệm; Sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Khách từ sân bay Đà Nẵng đến Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội thực hiện cách ly tại nơi lưu trú/ nhà trong thời gian 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 trước khi kết thúc cách ly, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú, nhà 7 ngày tiếp theo.
Cùng với các quy định trên, Hà Nội cũng công bố danh sách khách sạn cách ly tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đến từ TP HCM. Theo đó, những cơ sở này đều đáp ứng các điều kiện cần thiết về trang thiết bị, vệ sinh, khử khuẩn, điều kiện cách ly nhằm thêm sự lựa chọn cho người dân, khi họ không có nhu cầu ở các cơ sở cách ly tập trung sẵn có của thành phố. Đại diện UBND TP cho biết khi số lượng người về Hà Nội nhiều thêm và các đường bay khác được mở lại, TP sẽ bổ sung các khách sạn khác vào danh sách này.
Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Thủ đô
Việc Hà Nội quy định cao hơn quy định của Bộ Y tế đối với hành khách về từ TP.HCM và Đà Nẵng nhằm mục đích tốt đẹp là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Thủ đô |
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, khó khăn nhất của Việt Nam trong đi lại hiện nay là kiểm soát an toàn dịch bệnh khi tỉ lệ tiêm vắc xin còn thấp và không đồng đều. Người tiêm đủ vắc xin vẫn có khả năng nhiễm bệnh nếu đến vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp vẫn làm lây dịch ở đó hoặc lây cho người già, người chưa tiêm khiến những người đó mắc bệnh nặng, có thể tử vong.
Trong khí đó, tính đến ngày 8/10, Hà Nội tuy đã tổ chức tiêm được 5.886.390 mũi 1 (đạt 97,8% dân số trên 18 tuổi và 70,9% tổng dân số) nhưng mới chỉ có 2.149.643 mũi 2 (đạt 35,7% dân số trên 18 tuổi và 25,9% tổng dân số).
Lo ngại này đòi hỏi Hà Nội cần thực hiện biện pháp kiểm soát hành khách với mức độ cao hơn. Việc Hà Nội quy định cao hơn quy định của Bộ Y tế đối với hành khách về từ TP HCM và Đà Nẵng nhằm mục đích tốt đẹp là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Thủ đô, tránh xảy ra các sơ xuất đáng tiếc.
Nhìn nhận về lộ trình nới lỏng của Hà Nội có thể thấy, TP nhất quán mục tiêu sống chung, an toàn với dịch. Chủ trương của Hà Nội là mở cửa thận trọng, dần dần giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh được tái lập trong điều kiện an toàn. Ngoại trừ các loại hình dịch vụ có khả năng lây nhiễm cao như quán bar, massage, karaoke, hầu hết dịch vụ còn lại đã được cho phép trở lại
Theo các chuyên gia, việc Hà Nội thận trọng hơn các địa phương khác là điều dễ hiểu, bởi Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị và là Thủ đô nên để dịch bùng phát nguy cơ vô cùng khôn lường. Nếu Hà Nội không mở cửa thì các địa phương khác cũng bị ách tắc. Vì vậy, mở cửa thế nào, lộ trình ra sao không chỉ tác động đến Hà Nội mà còn nhiều địa phương và cả khu vực miền Bắc. Trách nhiệm của Hà Nội là rất lớn và thành phố không thể mở cửa ồ ạt, bỏ kiểm soát.
Với mục tiêu sống chung một cách an toàn với dịch, Hà Nội đang áp dụng các biện pháp linh hoạt nhất để đáp ứng phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng đồng thời phát huy hiệu quả trong kiềm chế nguy cơ về dịch. Đây tiếp tục là một bước đi thận trọng, quyết liệt và cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Thủ đô để thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ nặng nề trong thời điểm 3 tháng cuối năm.