Hà Nội đảm bảo an toàn các công trình đê điều trong mùa mưa lũ
Lên phương án phòng chống trước mùa mưa lũ
Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 627km đê được phân cấp. Trong đó, có hơn 37,7km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt; gần 250km đê cấp I, còn lại là đê cấp II, III, IV, V. Ngoài ra, thành phố còn có 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài gần 133km (chưa được phân cấp).
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn cho các tuyến đê trong những năm qua được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Dọc các tuyến đê hiện đã được đầu tư 162 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn; 364 điếm canh đê; 279 giếng giảm áp; 74 điểm kho bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão cũng đã được xây dựng để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Ngoài ra, gần 89km tre chắn sóng cũng đã được trồng ven đê, phát huy tác dụng khi mực nước sông lên cao, chắn sóng tốt khi có lũ lớn. Một số công trình hạ tầng phòng, chống thiên tai cũng đang được tích cực triển khai thi công như: Kè Sơn Đà, Minh Quang - Khánh Thượng, Chu Minh (huyện Ba Vì); kè Đông Ngàn đê tả Đuống (huyện Đông Anh)…
Hà Nội đảm bảo an toàn các công trình đê điều trong mùa mưa lũ |
Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, qua kết quả khảo sát mới nhất cho thấy các tuyến đê qua địa bàn thành phố cơ bản bảo đảm mặt cắt ngang thiết kế. Các kè bảo vệ hiện ổn định. Hạ tầng nhìn chung bảo đảm khả năng chống lũ năm 2021.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, để chủ động ứng phó với thiên tai năm 2021, thành phố đã giao đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương lập phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều, vị trí xung yếu. Huy động mọi nguồn lực để chủ động xử lý các sự cố phát sinh trước, trong và sau mùa mưa lũ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các đơn vị liên quan đang hoàn thiện và từng bước triển khai trên thực tế phương án hộ đê trên từng tuyến đê. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Đồng thời, Sở tiếp tục triển khai các dự án cải tạo sửa chữa công trình thủy lợi; Triển khai xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, phòng chống úng ngập khu vực ngoại thành, phương án bảo đảm an toàn cho các công trình trọng điểm trong mùa mưa năm 2021.
Sở cũng chỉ đạo các địa phương thống kê về nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin và các nguồn lực khác trong công tác phòng, chống thiên tai; Xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; Theo dõi, cập nhật số liệu về thời tiết khí tượng thủy văn phòng, chống thiên tai năm 2021 theo quy định.
Các quận, huyện, thị xã thực hiện nạo vét khơi thông dòng chảy, giải tỏa rau, bèo, đăng đó, các chướng ngại vật trên sông, trên hệ thống kênh mương tưới, tiêu; Tăng cường công tác kiểm tra đê, kè, theo dõi diễn biến, phát hiện sớm và báo cáo kịp thời các sự cố đê, kè; Tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố, hư hỏng công trình đê điều; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Kịp thời tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều
Là một trong những địa phương có hệ thống đê lớn nhất cả nước, hệ thống đê điều của Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống lũ lụt, bảo vệ Thủ đô. Trong nhiều năm qua, hệ thống đê của Hà Nội, trong đó có tuyến đê sông Hồng không được thử thách qua các trận lũ lớn, do đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố khi lũ lớn.
Trước tình trạng đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là thành phố Hà Nội tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên kiểm tra, kịp thời tu bổ, gia cố, nâng cấp hệ thống đê điều (trong đó có các đập, cống lớn trong hệ thống), nhất là tuyến đê cấp đặc biệt, các trọng điểm xung yếu.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công trình Đập Đáy, Hà Nội |
Hà Nội cũng cần chuẩn bị tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có lũ lớn xảy ra; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn hệ thống đê điều theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xung yếu đang triển khai đầu tư; Đồng thời rà soát các trọng điểm xung yếu chưa được gia cố, tu bổ; Chủ động xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa lũ theo quy định, sẵn sàng vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động bảo vệ, tránh xảy ra sự cố mất an toàn.
Đồng thời, thành phố tiếp tục bổ sung, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao năng lực giám sát, dự báo thiên tai, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai. Chủ động sử dụng ngân sách của địa phương để đầu tư nâng cấp, củng cố hệ thống đê điều trên địa bàn, từng bước xử lý dứt điểm các trọng điểm xung yếu trên toàn hệ thống đê.