Bảo vệ mắt khi học online gắn với mô hình trường học "hạnh phúc"
4 lưu ý dành cho giáo viên để dạy học online hiệu quả Giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn học online hiệu quả Nhiều bất cập trong việc dạy và học online |
Để mắt trẻ an toàn khi học online
Mắt con người được cấu tạo đặc biệt để nhìn xa đồng thời với khả năng tập trung nhìn gần trong khoảng thời gian ngắn. Do vậy, nếu làm bất cứ việc gì bằng thị lực nhìn gần (xem tivi, truy cập internet, đọc sách…) hàng giờ liền là điều kiện gây tật khúc xạ, trong đó thường gặp là cận thị.
Cô Nguyễn Thị Mai Hoa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, do dịch bệnh nên 100% học sinh của nhà trường phải học online. Theo cô Hoa, khi trẻ học trực tuyến phải có thời gian cho trẻ nghỉ ngơi sau khoảng 20 phút học. Điều này vừa giúp trẻ dễ tập trung bài học và không ảnh hưởng đến đôi mắt. Bên cạnh đó, giáo viên và phụ huynh luôn theo sát, nắm bắt tình hình khi trẻ sử dụng mạng internet.
Học sinh bị cận thị không phải là hiếm |
Quan tâm đến sự “an toàn” của “cửa sổ tâm hồn” trong khi phải học online, chuyên gia sức khoẻ Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Thuý Quỳnh, chuyên gia cao cấp, Trung tâm Mắt kỹ thuật cao (Bệnh viện Đông Đô) cho rằng, khi tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi… quá nhiều sẽ tăng nguy cơ các bệnh lý liên quan đến mắt của trẻ. Đơn cử như hiện tượng độ cận, khô mắt, mỏi mệt mắt, rối loạn điều tiết mắt của trẻ…
Để bảo vệ mắt cho trẻ, không những nhà trường mà cả phụ huynh nên ghi nhớ và áp dụng các giải pháp cần thiết để mắt trẻ được an toàn nhất.
Trước hết, gia đình phải góc học tập đầy đủ ánh sáng, tư thế ngồi phải đúng “3 thẳng” (lưng thẳng, đầu nghiên 45 độ, chân thẳng); bàn học phải vừa vặn tuỳ thuộc vào chiều cao của con chứ không nên bàn quá cao, người bé; khoảng cách giữa mắt và máy tính phải trên 50cm. Với những bạn lớn hơn cấp 2 – cấp 3 có thể là 60cm.
Tại Bệnh viện Đông Đô, mùa dịch trẻ đến khám bệnh về mắt không nhiều, do giãn cách, không được ra ngoài đường; tuy nhiên Bệnh viện nhận được rất nhiều trường hợp tư vấn online, tương tác trên fanpage các bệnh về mắt khoảng 20 người/ngày cho cả các bạn nhỏ và phụ huynh học sinh.
Khám mắt tại Trung tâm Mắt kỹ thuật cao, Bệnh viện Đông Đô (quận Đống Đa, Hà Nội) |
Riêng tuần vừa qua, trong hai ngày cuối tuần, Bệnh viện thực hiện việc khám, tư vấn mắt miễn phí cho 40 học sinh trên địa bàn TP Hà Nội tại Trung tâm Mắt kỹ thuật cao của Bệnh viện. Gói miễn phí về khúc xạ chuyên sâu: khám mắt, đo kính, chỉnh kính mới, chụp bản đồ giác mạc để đánh giá xem là có vấn đề giác mạc hay không. Bình thường gói khám này 1 triệu.
Em Phạm Anh Quân, học sinh lớp 4 ở một trường quận Thanh Xuân. Năm ngoái đã bị cận nhẹ 0,5 – 0,75 đi ốp. Sau đợt học online vừa qua thì phát hiện tăng độ cận lên 1 đi ốp. Sau khi khám miễn phí ở Trung tâm Mắt kỹ thuật cao Bệnh viện Đông Đô thì đầu tiên phải thay kính mới cho con, mẹ bé Quân cũng quyết định cho điều trị theo phương pháp ortho K để hạn chế tăng độ cận, đeo kính áp tròng ban đêm, ban ngày không phải đeo kính nữa.
Để giữ cho đôi mắt của các con sáng, khoẻ, hạn chế các bệnh về mắt, nhất là trong mùa học online này, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến các biểu hiện của con mình, ví như khi con có biểu hiện nháy mắt liên tục sau khi học bài xong, mỏi mắt, xem tivi hoặc nhìn thiên về một mắt, ngếch mặt khi nhìn… thì cần đến ngay các cơ sở khám chuyên sâu về chuyên khoa mắt.
Điều này đặc biệt quan trọng, vì có nhiều em có biểu hiện “giả cận thị” cũng sẽ được loại trừ, tránh trường hợp tự ý đi khám và đeo kính không phù hợp.
Đặc biệt, kể cả khi con mình chưa có biểu hiện gì về mắt thì bố mẹ cũng nên cho trẻ đi khám mắt để phát hiện sớm những vấn đề về thị lực, kịp thời can thiệp hoặc có những lời khuyên chính xác nhất về tình trạng mắt của con mình.
Xây dựng trường học "hạnh phúc"
Học online khiến học sinh không được tiếp xúc trực tiếp với thầy cô, bạn bè, không gian học tập bị bó hẹp khiến nhiều em cảm thấy bí bách, không những thế còn có nguy cơ bị ảnh hưởng thị lực nếu không bố trí thời khoá biểu hợp lý, đảm bảo khoảng cách an toàn và tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Chính vì vậy, việc kích thích hứng thú để các em học hành càng trở nên quan trọng. Xác định được điều này, ngay từ đầu năm học mới, trường Tiểu học Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) đã chủ động tạo dựng niềm tin và sự hài lòng cho phụ huynh thông qua việc củng cố đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trẻ, tối ưu hóa công tác quản lý nhà trường… Tất cả tạo một môi trường học tập hạnh phúc, đặc biệt là giúp học sinh có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, bảo vệ đôi mắt của trẻ.
Từ ngày 13/9, gần 390 học sinh lớp 1 của trường Tiểu học Mễ Trì chính thức học trực tuyến sau gần 2 tuần làm quen. Để tránh gây áp lực cho các em, nhà trường sắp xếp thời khóa biểu khoa học với thời lượng tối đa 3 tiết/ngày, khi học vào buổi tối có phụ huynh hỗ trợ.
Để có tiết học trực tuyến phù hợp, đảm bảo sức khoẻ và khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh, các giáo viên của trường Tiểu học Mễ Trì đã trao đổi nhiều biện pháp để có thể đồng hành với cha mẹ học sinh, nhất là học sinh lớp 1.
Hoạt động trải nghiệm ở trường Tiểu học Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) |
Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết thêm, ngoài việc sắp xếp thời gian biểu, hướng dẫn phụ huynh đồng hành cho trẻ thì những nội dung học tập đều được các thầy cô soạn giảng mạch lạc, khoa học, trẻ có thể dễ dàng quan sát thông qua hình ảnh hấp dẫn, lời giảng truyền cảm hứng. Việc này cũng góp phần bảo vệ đôi mắt cho các em, khi không phải quá tập trung vào màn hình để quan sát…
Được biết, để sẵn sàng tâm thế đón học sinh quay trở lại lớp, trường Tiểu học Mễ Trì đã đầu tư cơ sở vật chất, trang trí khuôn viên trường, trồng thêm hoa, cây cối, tạo quang cảnh sư phạm… Việc được học tập trực tiếp, có không gian trải nghiệm cũng sẽ giúp các em được phát triển tốt cả về thể chất, tâm hồn và tạo hứng khởi cho những giờ học trên lớp. Không những thế, chương trình năm học 2021 – 2022 đã được nhà trường lên kế hoạch kỹ để tạo môi trường học mà chơi, phát triển toàn diện cho trẻ.
Thực tế, việc quay trở lại trường học không chỉ là mong mỏi của phụ huynh học sinh mà của cả thầy cô và các tầng lớp Nhân dân. Khi đó, trẻ sẽ được chăm sóc, dạy bảo để phát triển cân bằng nhất.