Bảo vệ môi trường biển từ những việc làm nhỏ
|
Những hình ảnh rác thải ngổn ngang bãi biển mà nhiều người chia sẻ trên các trang mạng xã hội sau mỗi kỳ nghỉ lễ luôn khiến cộng đồng bất bình và phẫn nộ. Khách du lịch “quên” rác bên bãi biển, ngư dân bỏ ngư cụ hỏng trên biển, người dân làng chài xả rác ngay trước cửa nhà, cửa biển… là những gì chúng ta đang trả cho biển, sau khi lấy đi những tài nguyên, hải sản trân quý. Họ không thể không buồn lòng khi chứng kiến những bãi biển vốn trong lành, thơ mộng - nơi hầu như ai cũng muốn tìm đến để nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả - bỗng chốc trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu. Thậm chí, có điểm du lịch đã bị du khách du tẩy chay vì quá bẩn!
Ai cũng biết, biển không là nơi “dừng chân” của rác thải, cũng không phải là nơi chứa phế liệu, thế nhưng hằng ngày biển vẫn đang “gồng mình” hứng chịu rác thải do con người trút bỏ. Bất chấp nhiều biển báo nhắc nhở giữ vệ sinh chung, cấm vứt rác nơi công cộng... họ - những người vô ý thức - đã biến biển thành một bãi rác khổng lồ, tự phá hủy môi trường sinh thái, nguồn sống của mình. Điều này đã và đang đặt ra nguy cơ lớn về tình trạng ô nhiễm môi trường biển, mà nguyên nhân chủ yếu là hành vi tùy tiện của chính con người.
Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố giáp biển nhưng không phải tỉnh thành nào cũng làm tốt vấn đề bảo vệ, vệ sinh môi trường biển. Bên cạnh yếu tố ô nhiễm do rác thải sinh hoạt từ những làng chài ven biển thải ra, thì việc phát triển nóng dịch vụ du lịch không bền vững cũng là vấn đề đáng báo động, cần quyết liệt giải quyết. Chưa hết, rác thải không được xử lý tại các làng chài ven biển còn là nguyên nhân hình thành các ổ dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trong thời gian vừa qua.
Thay vì nói, chúng ta hãy hành động. Ngay bây giờ, hãy dọn sạch những gì đang biến biển xanh, cát trắng tuyệt đẹp của chúng ta thành bãi rác, hãy trả lại sự trong sạch và yên bình cho biển… đó cũng là thông điệp của chiến dịch “Hãy làm sạch biển” mà VTV24 phát động.
Chiến dịch này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp người dân trong xã hội, nhất là với các đoàn viên thanh niên. Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia, ông Vũ Minh Lý chia sẻ: “Đây là chiến dịch mang nhiều ý nghĩa, vừa bảo vệ môi trường biển, vừa là các hoạt động an sinh xã hội. Những hoạt động thiết thực như vậy luôn là môi trường rất sinh động để các bạn trẻ được trải nghiệm cuộc sống, hiểu và kịp thời chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân, với quê hương, đất nước”.
Đoàn viên, thanh niên tham gia làm sạch bãi biển
Thời gian gần đây, tại một số địa phương, bảo vệ môi trường biển luôn là ưu tiên hàng đầu của người dân, của các tổ chức đoàn thể và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Bên cạnh việc ban hành nghị quyết quán triệt tới các cấp, các ngành về việc làm sạch bãi biển, lãnh đạo các địa phương có biển còn trực tiếp đến các bãi biển, bãi tắm thuyết phục, vận động du khách không ăn nhậu, không xả rác ra biển. Các động thái mềm mỏng nhưng kiên quyết, có tính cầu thị này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân và của chính các du khách.
Những phong trào làm sạch môi trường biển tại các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định… được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn khiến nhiều người xúc động, tự thấy phải có ý thức chung tay. Không cần “đao to búa lớn”, việc tham gia nhặt rác của mỗi cá nhân chính là để bảo vệ chính mình và gia đình, đồng thời bảo vệ môi trường sống của cộng đồng xã hội. Điều đó giúp lý giải vì sao hành động dù nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với xã hội.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của biển trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa đối với các quốc gia có biển. Bảo vệ biển cũng là bảo vệ lợi ích quốc gia. Kinh tế biển đang giữ vai trò mũi nhọn trong Chiến lược biển Việt Nam từ nay đến năm 2020. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được kết quả khi chúng ta bảo vệ tốt môi trường biển.
Ô nhiễm môi trường biển có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết là ở chính con người. Đứng trước thảm họa ô nhiễm biển bởi rác thải, thời gian qua trên một số diễn đàn, nhiều thành viên đã bày tỏ mong mỏi: “Nếu chúng ta chưa làm được điều gì lớn lao cho biển thì chỉ cần làm một việc nhỏ thôi, một việc ai cũng có thể làm được là đừng vứt rác ra biển. Việc làm đó phải được lan tỏa khắp cả nước”. Có thành viên đề xuất: “Dọn sạch rác bãi biển không quá khó. Tuy nhiên, cần có quy định và phạt nặng ai vi phạm để triệt tiêu từ gốc nguồn rác, mặt khác, cần tăng cường đội ngũ vệ sinh bãi biển như vệ sinh đường phố. Kinh phí thực hiện có thể yêu cầu nhà hàng, khách sạn đóng góp vì bãi biển sạch, khách sẽ đông, nhà hàng, khách sạn thu nhiều lợi nhuận. Quan trọng nhất, chính quyền và người dân phải coi giữ gìn, duy trì quản lý sao cho bãi biển sạch là trách nhiệm của mình”.
Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường sống trong hiện tại và cả tương lai. Do đó, phong trào làm sạch biển cần tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng; cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân.
Tính văn hóa của mỗi cộng đồng thể hiện trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Thái độ trong việc xử lý rác thải cũng là một tiêu chí đánh giá quan trọng để đánh giá tính văn hóa. Khi mỗi cá nhân không giới hạn sự sạch sẽ trong phạm vi gia đình, mà còn ý thức về việc giữ sạch môi trường nơi công cộng, thấy xấu hổ vì đã xả rác không đúng nơi quy định, xác định được trách nhiệm trước các vấn đề cần giải quyết của xã hội, thì khi đó nền tảng phát triển xã hội mới thật sự bền vững.
* Đây là bài viết tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tập trung giải quyết dứt điểm các bức xúc về ô nhiễm môi trường

Tập trung triển khai hiệu quả những kết quả của Hội nghị P4G

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ đặt tại xã, liên xã, phường

Hà Nội ngày nắng, có nơi nắng nóng, chiều có thể có dông

TP Hồ Chí Minh sẽ tính giá thu gom rác mới từ ngày 1/6

Hà Nội ngày nắng, chiều tối có lúc có mưa rào, dông

Kiều bào tích cực trồng cây, học tập theo lời dạy của Bác Hồ

Nhiều khu vực mưa dông, đề phòng lũ quét, sạt lở

Khi nào khu vực chợ Thủ Đức thoát ngập sau mưa?
