Bảo vệ môi trường: Con đường tất yếu để phát triển bền vững
“Thả cá đừng thả túi nilon”: Cùng người trẻ bảo vệ môi trường Tuổi trẻ Bình Dương tiên phong bảo vệ môi trường Khánh thành công trình "Góc thông tin bảo vệ môi trường" |
Đào tạo nhân lực: yếu tố quan trọng bảo vệ môi trường
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế, xã hội là những sức ép và nguy cơ không nhỏ về ô nhiễm môi trường, đe doạ sự phát triển bền vững của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi; nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản; chế biến nông sản, thực phẩm; phát triển làng nghề và tiểu thủ công nghiệp; chất thải rắn sinh hoạt nông thôn cộng với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, khó lường đã đe doạ trực tiếp tới chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Trước những thực trạng này, hội thảo “Môi trường Nông nghiệp, nông thôn và phát triển bền vững” có ý nghĩa rất lớn, góp phần đưa ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý với lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới nông nghiệp sinh thái, nông dân thông minh và nông thôn hiện đại.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường cho biết, bảo vệ môi trường là con đường tất yếu để phát triển bền vững nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiệt huyết với công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn; trang bị kiến thức và nâng cao trách nhiệm bảo môi trường cho người nông dân và dân cư nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của các Trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu và các nhà khoa học trong thời gian tới.
PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo |
Đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang được Học viện Nông nghiệp Việt Nam đầu tư, chú trọng. Học viện đã đào tạo nguồn nhân lực môi trường ở cả 3 cấp độ đại học, cao học và tiến sĩ. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực môi trường, khoa học môi trường do Học viện đào tạo đã và đang có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh đối với đất nước.
Hội thảo Môi trường nông nghiệp, nông thôn và Phát triển bền vững được Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức thể hiện vai trò tiên phong, đi đầu của Học viện trong nghiên cứu, đào tạo và giải quyết các vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn. Hội thảo được kỳ vọng sẽ là nơi để các nhà khoa học, cán bộ giảng viên, học viên của các trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu; các chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước; các nhà quản lý, hoạch định chính sách của các Bộ, Sở, Ban ngành liên quan; Các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như học thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.
Tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra ở trên thế giới và Việt Nam có tác động mạnh mẽ đến tất cả khía cạnh phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề hết sức cấp thiết.
Cũng theo GS.TS Trần Đức Viên, các thách thức trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực tài nguyên môi trường (TNMT) như: các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và cực đoan dẫn đến các nội dung đào tạo, quy trình công nghệ luôn phải cập nhật và kiểm chứng thực tế; luôn phải đổi mới tư duy và nguồn nhân lực đầu vào ngành TNMT đang có dấu hiệu suy giảm về số lượng…
GS.TS. Trần Đức Viên nói về tầm quan trọng của đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên môi trường |
Từ đó, GS.TS. Trần Đức Viên cho rằng, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao TNMT cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn, sứ mạng cụ thể hướng tới đào tạo nguồn nhân lực cao 4.0, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin và hội nhập Quốc tế đảm bảo phát triển ngành tài nguyên môi trường vừa hiện đại, nhưng giàu bản sắc văn hoá dân tộc đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước hiện đại và văn minh.
Tham gia ý kiến tại chương trình, ông Quàng Văn Hương, Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao việc Học viện Nông nghiệp và Khoa Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo có ý nghĩa quan trọng về vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trang bị kiến thức và nâng cao trách nhiệm bảo môi trường cho người nông dân, nhất là bà con đồng bào vùng miền núi là nhiệm vụ quan trọng của các Trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu và các nhà khoa học trong thời gian tới. “Hiện tại, chúng ta đang đi từng bước, xác định, gỡ vướng mắc để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong vấn đề bảo vệ môi trường. Chúng tôi vẫn tiếp tục cập nhật tiếp thu những ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia trong Hội thảo từ đó sẽ có những kiến nghị, đề xuất vào chương trình nghiên cứu chính sách, pháp luật thời gian sắp tới”, ông Quàng Văn Hương cho biết.
Ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao những ý kiến của các nhà khoa học tại Hội thảo |
Những thách thức với việc bảo vệ môi trường nông nghiệp
Tại Hội thảo nhiều nhà khoa học đã đánh giá, đưa ra dự báo về tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam hiện nay và đưa ra những khuyến nghị về chính sách cũng như các nhóm giải pháp để nền nông nghiệp, nông thôn Việt Nam có thể phát triển bền vững.
Đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của Việt Nam, nhóm các nhà khoa học: Trần Đức Viên, Trần Trọng Phương, Nguyễn Thanh Lâm, Cao Trường Sơn cho rằng, nhiệt độ trung bình năm của cả nước tăng 0,89 oC trong giai đoạn 1958 - 2018; đặc biệt nếu chỉ tính riêng giai đoạn 1986 - 2018 (32 năm) nhiệt độ bình quân của cả nước tăng 0,74oC. Đáng lo ngại hơn cả là nhiệt độ tối cao và số ngày nắng nóng tăng lên ở khắp các vùng miền, nhiều kỷ lục nhiệt độ đã được ghi nhận trong những năm gần đây...
Các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp: Số ngày nắng nóng tăng lên ở khắp các vùng miền. Trong khi đó, số ngày rét đậm, rét hại giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc. Số tháng hạn hán tăng ở phía Bắc, giảm ở Trung bộ và Nam bộ...
Từ những con số nêu trên, nhóm các nhà khoa học dự báo, nhiệt độ trung bình năm ở tất cả các vùng miền tiếp tục có xu hướng tăng lên; Lượng mưa có xu hướng tăng lên trên tất cả các khu vực; Số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới ít biến động nhưng cường độ có xu hướng tăng lên…
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp |
Ở vấn đề ô nhiễm môi trường do phụ phẩm nông nghiệp, nhóm tác giả Nguyễn Thanh Lâm, Cao Trường Sơn (Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, sử dụng không hợp lý phế phụ phẩm gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra nhiều nơi ở Việt Nam.
Con số mà nhóm tác giả đưa ra: Sản xuất nông nghiệp đã phát sinh hàng năm một lượng lớn phế phụ phẩm nông nghiệp khoảng trên 159 triệu tấn, trong đó phế phụ phẩm trồng trọt chiếm 56,6%, phế phụ phẩm chăn nuôi 39%, từ thuỷ sản 0,6%, lâm nghiệp 3,8%. Nhiều chính sách của nhà nước đã được ban hành nhằm thúc đẩy công tác quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên chính sách còn thiếu đồng bộ nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai.
PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường chỉ ra những bất cập về nguồn nhân lực lĩnh vực tài nguyên, môi trường hiện nay |
Các nhà khoa học Bùi Thị Phương Loan, Nguyễn Quang Chiến, Đỗ Thanh Định, Trần Văn Thể, Mai Văn Trịnh, Nguyễn Xuân Khôi, Vũ Việt Hà, Đinh Thị Hải Vân đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp như: Trong lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật gặp nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thâm canh tăng vụ gây hại. Việc quản lý môi trường, dịch bệnh còn thiếu hiệu quả…; Trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y, hình thức chăn nuôi hộ gia đình chiếm đa số, nhiều hộ chăn nuôi vẫn xả chất thải ra môi trường. Công nghệ xử lý chất thải chưa hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường...; Trong lĩnh vực phát triển nông thôn (làng nghề truyền thống), sử dụng công nghệ kém, sản phẩm chất lượng thấp. Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế... Cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường chưa được đầu tư đầy đủ, nhiều làng nghề chưa có hệ thống xử lý khí thải, nước thải...
Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững
Với những thực trạng, vướng mắc nếu trên, các nhà khoa học đều kiến nghị, đề xuất những giải pháp để giải quyết vấn đề, giúp nền nông nghiệp, khu vực nông thôn phát triển bền vững.
Theo đó, nhóm các nhà khoa học Trần Đức Viên, Trần Trọng Phương, Nguyễn Thanh Lâm, Cao Trường Sơn đưa ra những khuyến nghị: Trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh/thành phố, các bộ ban ngành liên quan; chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số chính sách quan trọng của Chính phủ về phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực hiên tốt nhiệm vụ: "đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại…; Tích cực áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng như những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp…
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp chất lượng của các nhà khoa học |
Các tác giả Nguyễn Thanh Lâm, Cao Trường Sơn đề xuất một số gỉai pháp: Về chính sách, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 là đạt mức phát thải ròng “bằng 0” vào năm 2050, giảm 30% lượng khí thải mêtan vào năm 2030 và đây là thách thức đối với ngành lúa gạo nói riêng và ngành lúa gạo nói chung. nông nghiệp nói chung.
Rà soát và đồng bộ hoá hệ thống các văn bản pháp lý có liên quan giữa các bộ ngành, đặc biệt là bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tạo hành lang pháp lý thuận tiện cho các hoạt động tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp…
Các nhà khoa học Bùi Thị Phương Loan, Nguyễn Quang Chiến, Đỗ Thanh Định, Trần Văn Thể, Mai Văn Trịnh, Nguyễn Xuân Khôi, Vũ Việt Hà, Đinh Thị Hải Vân đã đưa ra những giải pháp chung và riêng đối với từng nhóm vấn đề như: Điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách, cùng với việc hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) năm 2020 sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện; Tiếp tục cải thiện hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường trong nông nghiệp, nâng cao khả năng ứng phó với tình huống môi trường nông nghiệp khó khăn; Xây dựng cơ chế thu gom và xử lý chất thải từ sản xuất nông nghiệp, tạo hướng dẫn cho việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp...
Năm 2024, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh 260 chỉ tiêu đại học gồm 5 ngành: HVN15 có 210 chỉ tiêu cho 3 ngành: Quản lý đất đai, Quản lý Bất động sản, Quản lý Tài nguyên và Môi trường; HVN16 có 40 chỉ tiêu ngành Khoa học môi trường; HVN03 có 10 chỉ tiêu ngành Khoa học đất (Khoa học đất và Quản trị tài nguyên đất); Tổ hợp xét tuyển nhóm ngành HVN03: A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A09 (Toán, Địa lí, GDCD), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh); Tổ hợp xét tuyển nhóm ngành HVN15, HVN16 gồm: A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) và D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh). Khoa Tài nguyên và Môi trường sẽ có 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (Xét học bạ); Xét tuyển kết hợp Mọi chi tiết liên hệ: 02462617578 hoặc 0961926639 / 0961926939 Địa chỉ liên hệ: Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Thị trấn Trâu Quỳ, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. Website: https://vnua.edu.vn; https://tuyensinh.vnua.edu.vn Website: https:// https://tnmt.vnua.edu.vn/ Facebook: https://facebook.com/tuyensinhvnua.edu.vn |