Bệ đỡ để phát triển đất nước cường thịnh
Tự hào 78 mùa thu độc lập
Sau cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, hàng triệu trái tim người Việt Nam như vỡ òa hạnh phúc vì “Nước Việt Nam từ máu lửa” đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ đây trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đội tiêu binh danh dự thực hiện nghi lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình |
“Hỡi đồng bào cả nước… Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, lời Bác gọi như lời hiệu triệu của non sông đất nước, thấm đẫm vào trái tim thế hệ người dân Việt Nam. Ngày 2/9/1945 đã trở thành cột mốc huy hoàng của dân tộc Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển đất nước.
Hành trình vinh quang 78 năm qua, thực hiện Lời thề Độc lập thiêng liêng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, Nhân dân ta đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, hy sinh xương máu để giữ vững thành quả và thực hiện mục tiêu cao cả: Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.
Tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập mùa thu năm 1945 đã truyền lửa cách mạng cho dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Quân và dân ta với niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh và ý chí kiên cường của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đập tan hai cuộc xâm lược của thực dân, đế quốc mà dấu son là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954; Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, đưa cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa |
Xúc động ôn lại những trang sử hào hùng của một dân tộc anh hùng, chúng ta càng trào dâng niềm tự hào về những ngày mùa thu sục sôi cách mạng - mùa thu độc lập cách đây 78 năm. Thắng lợi vĩ đại ấy đã khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Đảng luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Quy tụ và phát huy được lòng yêu nước của toàn thể các tầng lớp Nhân dân, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.
Nỗ lực hiện thực hóa khát vọng
Vận dụng sáng tạo, phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu, những tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập, ngay từ những ngày đầu tiên sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tịch đã xác định, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp dân chủ.
Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 10 tháng chuẩn bị, kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng tháng Tám, xác lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Mục tiêu chiến lược của Hiến pháp là hoàn thành độc lập dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ Nhân dân, chuẩn bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với quá trình phát triển của đất nước, pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng được hoàn thiện với sự ra đời của các bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Hiến pháp năm 2013. Mỗi bản Hiến pháp ra đời đều có bối cảnh và ở những thời điểm lịch sử nhất định nhằm thể chế hóa đường lối cách mạng của Đảng cho mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.
Sau ngày thống nhất, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện công cuộc đổi mới. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta cũng đã vượt qua bao khó khăn, thách thức với sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, hiệu quả của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực. Nước ta từ nghèo nàn, lạc hậu thành một quốc gia phát triển năng động ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu thiên niên kỷ, nhất là về giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, giáo dục...
Đặc biệt, sau 37 năm đổi mới (1986 - 2023), Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng.
Ngày nay, Việt Nam không chỉ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia… mà còn là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Với mức tăng GDP hằng năm trung bình khoảng 7% trong nhiều năm qua, ngày nay, Việt Nam đứng trong nhóm 40 nền kinh tế có quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất thế giới, nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG-2015 và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc; Thực hiện cam kết COP26 về giảm phát thải... Việt Nam cũng có quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191 quốc gia; Thiết lập quan hệ ổn định lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện... Trên mỗi chặng đường đã qua với nhiều thành tựu quan trọng, Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành của cả cộng đồng quốc tế rộng lớn.
Đại hội XIII của Đảng (tháng 2/2021) đã nhận định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.
Theo Tổng cục thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 của nước ta đạt khoảng 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành đạt khoảng 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành đạt khoảng 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021).
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng phát triển hùng cường. Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu, nỗ lực phấn đấu: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử này chính là minh chứng cho Lời thề Độc lập năm 1945 và cũng khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng phát triển vươn lên của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức khi khoa học công nghệ phát triển nhanh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng xuất hiện những thách thức mới trên mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, mạnh mẽ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đặt ra những yêu cầu mới và đứng trước không ít khó khăn, thách thức cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Vượt lên tất cả, Lời Tuyên ngôn Độc lập năm xưa như vẫn còn đây, vang vọng khắp non sông, mãi là niềm tự hào, là lời kêu gọi chúng ta tiếp tục đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững độc lập, chủ quyền, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.