Bệnh viện Bạch Mai: Đổi mới để nâng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh
Nơi tiếp nhận hồ sơ tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Dung |
Phải chuyển việc là điều không mong muốn
Theo thống kê của BV Bạch Mai, trong 221 cán bộ, người lao động thôi việc tại BV có hơn 113 người là lao động phổ thông làm việc tại các đơn vị dịch vụ, nhà thuốc, nhà tang lễ... do BV kiện toàn, tinh gọn; 28 bác sĩ chuyển công tác, thôi việc (trong đó có 1 PGS, 7 TS y học, 2 TS ngành dược học…). Nhiều cá nhân, bác sĩ chia sẻ, họ quyết định nghỉ việc với rất nhiều lý do. Hầu hết những ý kiến đều bày tỏ sự không hài lòng về cơ chế, cách điều hành cũng như những vấn đề nội bộ nên họ mới phải chấp nhận ra đi.
Là 1 trong số 221 người vừa xin nghỉ việc tại BV Bạch Mai, với bác sĩ T. (xin được giấu tên) thật khó khăn khi phải quyết định rời khỏi BV – nơi bác sĩ vốn đã gắn bó từ nhiều năm, ngay khi tốt nghiệp đại học đến nay. “BV Bạch Mai là BV tuyến cuối, đơn vị chủ lực trong hoạt động khám chữa bệnh (KCB) của ngành y tế mà bất cứ bác sĩ nào cũng mong muốn được làm việc và cống hiến. Cá nhân tôi cũng vậy, sau bao năm cống hiến cho BV dù chưa đến tuổi nghỉ chế độ nhưng giờ phải chuyển đi tôi rất buồn" - bác sĩ T. trăn trở.
Còn với chị L. (làm tại một đơn vị chức năng của BV) – người từng gắn bó 23 năm với nơi này, nay phải rời khỏi BV. “Mặc dù rất buồn phải dứt áo ra đi khỏi ngôi nhà của mình nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Gần một năm nay, nhân viên chúng tôi thường xuyên bị BV cho là lỗi giao tiếp rồi xử phạt nặng, cắt hết tiền thưởng. Nguồn thu nhập không ổn định, nhưng cái chính là môi trường làm việc ức chế, o ép” - chị L. chia sẻ.
Đồng quan điểm, anh K., nhân viên cũ của khoa Dược (nghỉ việc từ tháng 3/2021) cho hay, anh gửi đơn xin nghỉ tới lãnh đạo ngay sau Tết Nguyên đán 2021 vì nhiều lý do. Trong đó, nguyên nhân chính là do cơ chế của BV có thay đổi. Sự thay đổi này khiến họ phải làm việc nhiều hơn, áp lực hơn nhưng thu nhập giảm so với trước.
Trong khi đó, nhiều bác sĩ xin nghỉ việc, không phải do thu nhập giảm mà do mô hình quản lý có nhiều thay đổi không hợp lý. Họ cho rằng, với mô hình quản lý mới, BV học theo mô hình tư nhân, quản lý nhân sự của tư nhân là tốt, là đổi mới nhưng việc đãi ngộ với nhân viên lại không hợp lý, lương giảm. Các quy trình, cơ chế đánh giá cũng không rõ ràng, dẫn đến câu chuyện soi mói, thù hằn cá nhân trong việc đánh giá.
Một số ý kiến bày tỏ, thực tế, nhiều người làm việc, cống hiến lâu năm cho BV thì BV lại cho nghỉ. Trong khi, có những trường hợp mới làm việc 1 - 2 năm lại được giữ lại, đây là điều không công bằng. Đặc biệt, nhiều bác sĩ đã gắn bó lâu năm với BV ra đi vì cho rằng, những lý do mà lãnh đạo BV đưa ra không đúng với cá nhân đó. Công việc ngành y đặc thù, không thể tính theo thời gian. Trong khi họ đảm nhiệm chuyên ngành lâu năm nhưng được yêu cầu chuyển sang một bộ phận khác, điều này khiến họ không thoải mái vì họ không còn được làm nghề đúng nghĩa nên xin nghỉ.
Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BV cung cấp |
Thay đổi đem lại dịch vụ tốt nhất cho người bệnh
Lý giải về việc nhiều cán bộ, lao động của BV nghỉ việc thời gian qua, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai giải thích, có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do tình hình dịch Covid-19 tác động lớn đến BV, số bệnh nhân nội trú đang từ 5.000 - 6.000 người giảm còn hơn 1.000 và bệnh nhân ngoại trú từ 6.000 - 7.000 xuống 1.000 - 2.000 bệnh nhân. Bên cạnh đó, giường tự nguyện cũng giảm, hoạt động xã hội hóa được thanh tra và đưa về giá bảo hiểm y tế. Vì vậy, nguồn thu năm 2020 của BV giảm 2.000 tỷ đồng khiến thu nhập của cán bộ giảm nhiều so với thời gian trước khi có dịch bệnh Covid-19.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bác sĩ Đỗ Văn Thành - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, BV Bạch Mai cho hay, ngoài thu nhập giảm vì Covid-19, lý do khiến nhân viên thôi việc là việc tinh giản một số bộ phận, áp lực đổi mới BV. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ của BV được đơn vị ngoài mời chào với mức thu nhập cao nên việc dịch chuyển cán bộ y tế là tất yếu, BV không thể giữ được, hoạt động luân chuyển nhân sự như vậy không có gì bất thường, không phải là “chảy máu chất xám”.
Thời gian qua, bên cạnh việc chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, BV Bạch Mai còn phải chịu áp lực từ đổi mới. Chính vì thế, Ban Giám đốc BV đã quyết định đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu, yêu cầu toàn bộ đội ngũ nhân sự tăng cường. Đối với bác sĩ khoa Khám bệnh, trước đây 7 giờ 30 phút mới bắt đầu làm việc thì giờ phải có mặt tại BV lúc 5 giờ sáng để giải quyết tình trạng đông bệnh nhân, để người bệnh không phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng thuận hay hài lòng về vấn đề này nhưng với mong muốn đem lại dịch vụ tốt thì BV vẫn quyết tâm làm. “Từ khi BV tự chủ tất cả đều công khai, minh bạch về thu chi tài chính, chuyên môn từng đơn vị. Sự công khai, minh bạch, chỉ đạo chuẩn chỉ sẽ hạn chế lỗi, sai phạm, thu không hợp lý… đâu đó sẽ tác động đến một số nguồn thu không đúng quy định. Khi BV quyết tâm đổi mới, phải chấp nhận hiện thực, bởi chẳng có cuộc cách mạng nào là không có sự hy sinh”- bác sĩ Thành nói.
Khi BV tự chủ nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là triển khai chăm sóc toàn diện, đòi hỏi lực lượng nhân sự, nhân lực cao hơn so với bình thường nên BV đã tuyển dụng 506 người. Trong đó, để tăng chất lượng dịch vụ Khoa Khám bệnh, BV tuyển hàng trăm hướng dẫn viên để hướng dẫn bệnh nhân trong quy trình khám bệnh. Nhu cầu thêm nhân sự để phát triển chuyên môn, tăng chất lượng dịch vụ, đây là một đòi hỏi tất yếu của một đơn vị, nhu cầu bắt buộc phải bổ sung để vận hành BV.
Nêu ý kiến về BV Bạch Mai, bác sĩ Hoàng Sầm - Chủ tịch Viện nghiên cứu y học bản địa Việt Nam cho rằng, để BV Bạch Mai mãi là BV đầu ngành của Việt Nam thì cần vẽ ra một viễn cảnh về BV trong tương lai với tầm nhìn đến năm 2050, phải "thay đổi" tư tưởng chiến lược, thay đổi chỗ đứng, để có cách nhìn mới, cách quản lý, cách cạnh tranh, cách thực hành, thay đổi cả những nhân sự không phù hợp, mà trước hết đổi mới tư duy, bỏ nếp nghĩ cũ... chỉ tuân theo sự chỉ dẫn của pháp luật và nhu cầu của thị trường dịch vụ y tế. Thay cũ đổi mới mà đúng khuynh hướng, xu thế của thời đại, có tầm nhìn xa là vô cùng cơ bản, quan trọng và khẩn thiết.
Bác sĩ Đỗ Văn Thành - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, BV Bạch Mai: 51% nhân viên hài lòng về lãnh đạo bệnh viện Kết quả khảo sát tại BV Bạch Mai của Bộ Y tế mới đây có 74% người bệnh nội trú hài lòng về BV, tỷ lệ này với bệnh nhân ngoại trú là 82%. Trong khi đó, khảo sát mức độ hài lòng của nhân viên y tế với BV khá thấp, chỉ đạt 3,5/5 (các năm trước đều trên 4). Đáng chú ý, trong số có 2.014/4.300 nhân viên, người lao động tham gia khảo sát, chỉ có 15,3% hài lòng toàn diện với BV, 51% hài lòng nói chung về lãnh đạo BV; 63% cho biết sẽ gắn bó làm việc với BV lâu dài; 70% đề nghị tăng thu nhập. Toàn bộ khảo sát được thực hiện trực tuyến, bảo đảm khuyết danh. Thời gian qua, mặc dù trong vô vàn khó khăn, lãnh đạo BV cũng đã rất nỗ lực đem lại sự hài lòng ở mức tối đa có thể tới cán bộ, viên chức BV. Tuy nhiên có những điều bất khả kháng về chế độ chính sách, BV rất mong muốn Bộ Y tế, Chính phủ sẽ giúp đỡ, hỗ trợ để tháo gỡ, khi đó BV sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình. |
Bệnh viện Bạch Mai chi viện bác sĩ Nhi khoa cho Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương TTTĐ - Bệnh viện Bạch Mai đã tăng cường 2 cán bộ y tế thuộc Khoa Nhi xuống hỗ trợ Bệnh viện Dã chiến 2 ... |
Bộ Y tế yêu cầu BV Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá khám chữa bệnh TTTĐ - Ngày 6/3, Bộ Y tế yêu cầu BV Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá khám, chữa bệnh tại bệnh viện, kể cả ... |
Trao thiết bị y tế tặng Bệnh viện Bạch Mai TTTĐ - Chiều 2/6, đoàn công tác của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam do GS. TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ ... |
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai vất vả tại nơi "tâm dịch" Covid-19 TTTĐ - Kết thúc cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế với các địa phương có dịch Covid-19, TS.BS Đỗ Ngọc Sơn ... |
Bệnh viện Bạch Mai chi viện bác sĩ Nhi khoa cho Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương TTTĐ - Bệnh viện Bạch Mai đã tăng cường 2 cán bộ y tế thuộc Khoa Nhi xuống hỗ trợ Bệnh viện Dã chiến 2 ... |