BHYT học sinh, sinh viên: Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Tỷ lệ tham gia BHYT thấp dưới 30%
Tại các trường tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT thấp, tình trạng phổ biến là sinh viên chỉ tham gia năm đầu vào trường, tỷ lệ tham gia luôn giảm dần ở các năm học sau. Thực tế đó đòi hỏi cần tìm nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục để thúc đẩy sự tham gia triệt để ở nhóm đối tượng rất có tiềm năng này.
Theo số liệu thống kê của BHXH Hà Nội, một số trường có tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT thấp như: Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề điện, Trường Cao đẳng nghề Quốc tế Hà Nội, Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Trung ương, Trường ĐH Đại Nam, Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông, Trường Cao đẳng xây dựng số 1, Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật thương mại, Trường ĐHCN Việt Hưng, Trường ĐH Thành Đô, Trường CĐ Cộng đồng Hà Tây…
Đặc biệt, trong nhóm trường có tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT thấp, có rất nhiều trường tỷ lệ tham gia BHYT chỉ đạt dưới 30%. Đơn cử như Trường Đại học Thành Đô, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT chỉ đạt 21,93%; Trường Cao đẳng xây dựng số 1, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT chỉ đạt 21,19%; Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Trung ương chỉ đạt 18,3%; Trường Cao đẳng nghề Quốc tế Hà Nội chỉ đạt 26,36%...
Tiếp tục vận động học sinh, sinh viên tích cực tham gia BHYT vì quyền lợi của chính bản thân các em
Nguyên nhân chung, phổ biến của tình trạng sinh viên tham gia BHYT chỉ đạt tỷ lệ thấp tập trung chủ yếu ở một số điểm sau: Đây là nhóm đối tượng đang ở độ tuổi có sức khỏe tốt, ít mắc các bệnh mãn tính nên không chú trọng đến việc cần phải có BHYT, có HSSV còn tỏ thái độ xem thường, coi nhẹ việc mua BHYT. Phần lớn sinh viên chỉ tham gia khi bị thúc ép ráo riết của nhà trường.
Bên cạnh đó, đối tượng học sinh, sinh viên chưa làm ra tiền, còn phụ thuộc vào sự chu cấp của gia đình, còn thiếu thốn nhiều cho nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí nên khi có được khoản tiền từ cha mẹ theo định kỳ thì luôn dành ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu khác và thường không quan tâm đến việc phải đóng tiền mua BHYT.
Ngoài ra, còn thiếu chế tài bắt buộc sinh viên tham gia BHYT, nhà trường thiếu quyết liệt trong việc vận động và thu đóng BHYT. Luật BHYT quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc nhưng thực tế lại chưa có quy định chế tài bắt buộc, do vậy BHYT cho sinh viên vẫn chỉ là tham gia trên tinh thần vận động là chủ yếu. Ngành giáo dục chưa có hình thức kỷ luật sinh viên nếu họ không đóng BHYT, lại cũng không thể buộc sinh viên nghỉ học…
Triển khai nhiều biện pháp phù hợp
Bên cạnh những biện pháp đã và đang thực hiện hàng năm như: tiếp tục vận động học sinh, sinh viên tích cực tham gia vì quyền lợi của chính bản thân các em, hướng dẫn thủ tục thu đóng phí, hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, hướng dẫn đi khám, chữa bệnh và sử dụng thẻ BHYT đúng quy định thì cần có bước đột phá mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.
Cụ thể, cần có chế tài bắt buộc mạnh mẽ hơn từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục để sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT. Luật đã quy định bắt buộc thì việc đưa ra quy định bắt buộc tham gia là cần thiết và phù hợp.
Nhà nước xem xét có thể tăng mức hỗ trợ tối thiểu cho HSSV, tiếp theo đó là từng địa phương hỗ trợ thêm cho HSSV của địa phương mình. Nội dung này đã được quy định trong Luật, từng địa phương tùy điều kiện khả năng của mình hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu của ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho một bộ phận sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích sinh viên đóng phí cả khóa học bằng cách thực hiện giảm mức đóng cho các năm học sau tương tự như thực hiện giảm mức đóng đối với hộ gia đình có đông người tham gia BHYT đã quy định trong Luật BHYT; ví dụ nếu sinh viên đóng phí cho cả khóa học thì mức phí của năm thứ 2 được giảm 10%, năm thứ 3 được giảm 20% mức đóng...
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh vận động tuyên truyền bằng nhiều hình thức hấp dẫn, đổi mới về nội dung và phương pháp, tạo hứng thú và chú ý của sinh viên. Đặc biệt từ năm học này, trong công tác tuyên truyền cần nhấn mạnh đến việc điều chỉnh giá các dịch vụ khám chữa bệnh tăng so với trước đây, sinh viên không có BHYT sẽ rất khó khăn nếu chẳng may ốm đau bệnh tật phải khám, chữa bệnh tại bệnh viện các tuyến.
Đồng thời cũng nói rõ để sinh viên biết việc thông tuyến khám, chữa bệnh đem lại nhiều thuận lợi cho người có thẻ, được khám, chữa bệnh thuận tiện ở mọi cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương trên phạm vi cả nước. Qua đó giúp sinh viên nắm bắt kịp thời và rõ ràng các quyền lợi cơ bản và cách thức sử dụng thẻ BHYT hiệu quả và đúng đắn khi đi khám chữa bệnh.
Bằng các biện pháp cụ thể có tính đột phá ở mỗi trường học, lớp học, mỗi địa phương, hy vọng năm học mới này công tác BHYT học sinh, sinh viên, đặc biệt là tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT sẽ có nhiều khởi sắc, khắc phục những trì trệ chậm chạp kém hiệu quả của những năm trước đó, tạo thêm động lực và niềm tin vào thành công của mục tiêu BHYT toàn dân.