Bí quyết duy trì sự phát triển bền vững các tiêu chí Nông thôn mới của tỉnh Bình Dương
Bình Dương tập trung các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp |
Những năm qua, Bình Dương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, tăng dân số cơ học rất nhanh. Điều này dẫn đến, một số tiêu chí trong xây dựng NTM thiếu tính bền vững, như: Nước sạch, y tế, giáo dục… Việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM chưa hiệu quả khiến còn một bộ phận nông dân có thu nhập còn thấp. Xin ông cho biết, tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả khả quan như thế nào?
- Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách đầu tư cho các tiêu chí này; Bên cạnh đó cũng huy động tốt các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, nước sạch.
Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 85%; 100% trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 65,73%…
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả tích cực, thu nhập bình quân trên 1ha đất đạt 95 triệu đồng/năm; Thu nhập bình quân dân cư nông thôn là 60 triệu đồng/người/năm.
Huyện Nông thôn mới Dầu Tiếng khởi sắc (Ảnh: Xuân Thi) |
Vậy trong giai đoạn tới, tỉnh làm gì để duy trì được kết quả này, thưa ông?
- Để duy trì sự phát triển bền vững các tiêu chí NTM, thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh ưu tiên phát triển các thế mạnh của khu vực về cây ăn quả, rau, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp…), sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; Chú trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững; tăng cường triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM; Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với tình hình mới.
Ông Hồ Trúc Thanh, PGĐ Sở NN&PTNT Bình Dương thăm trang trại trồng bưởi da xanh của bà con nông dân |
Được biết, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cơ sở nào để Bình Dương tiến hành hoạt động này, thưa ông?
- Tỉnh Bình Dương đã thực hiện Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình NTM, qua tổng kết cũng đã đánh giá đúc rút kinh nghiệm và nêu ra bài học học kinh nghiệm để thực hiện trong thời gian tới.
Tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; Hiện có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đang thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh xem xét quyết định công nhân đạt chuẩn NTM nâng cao. Kế hoạch đến năm 2025, tỉnh dự kiến 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% xã đạt NTM kiểu mẫu.
Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Người dân Bình Dương góp sức chung tay xây dựng nông thôn mới |
Để đạt được kết quả như mong đợi thì còn phụ thuộc rất lớn vào toàn hệ thống chính trị, việc chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. Xin ông cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai như thế nào để thực hiện các mục tiêu trên?
- Giải pháp trong thời gian mà tỉnh Bình Dương đề ra là: Xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững. Cơ sở hạ tầng phát triển kết nối đồng bộ trong vùng Đông Nam Bộ và với các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên để khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế các vùng miền.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự...; Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, trong đó chú trọng đầu tư cho các công trình ở các ấp nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Đồng thời, Bình Dương nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội để nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn; Bảo tồn và phát huy sự đa dạng về văn hóa dân tộc, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng ở các vùng nông thôn; Tăng cường bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan, trong đó tập trung phát triển các mô hình đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, sáng.
Các đơn vị trong tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương, trong đó tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản theo chuỗi cung ứng và lĩnh vực phi nông nghiệp để tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Tăng cường nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình, đề án cụ thể trên địa bàn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, có giải pháp hỗ trợ bổ sung kỹ năng cho người dân; Đồng thời, quan tâm tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, nhất là ở cấp xã, ấp để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách có tính sáng tạo, đột phá phù hợp với điều kiện địa phương.
UBND tỉnh thường xuyên tăng cường đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, gắn với rà soát nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế; Hỗ trợ, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!