Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chia sẻ 7 nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội để đẩy lùi Covid-19
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước |
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, những chỉ đạo, định hướng của đồng chí Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương là nguồn động viên, chia sẻ, cổ vũ, khích lệ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô để nỗ lực, quyết tâm sớm đẩy lùi bằng được dịch Covid-19, đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quán triệt sâu sắc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, thành phố Hà Nội luôn xác định trong lúc chưa có đầy đủ vắc xin và thuốc đặc trị thì vẫn phải bảo vệ được người dân, phòng dịch vẫn là chủ yếu, chiến lược, quyết định.
Thời gian qua, thành phố đã và đang triển khai rất quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát tình hình, không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đáp ứng mọi tình huống của dịch như: Chuẩn bị 65.000 chỗ cách ly F1 và trên 30.000 chỗ thu dung điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng; Trên 10.000 giường cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng và nguy kịch.
Hà Nội đã tập trung mua sắm trang bị đầy đủ hệ thống ô xy, máy thở và xe cứu thương cho 100% cơ sở điều trị; Nâng cao năng lực xét nghiệm đạt trên 200.000 mẫu/ngày (bao gồm trả kết quả xét nghiệm); Tổ chức xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng bảo đảm nguyên tắc nhanh nhất, chính xác, an toàn, hiệu quả; Tập trung ưu tiên thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, cách ly “vùng đỏ”…
Nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thành phố đã chỉ đạo thực hiện ngay việc hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với số tiền trên 175 tỷ đồng đã được chi trả tính đến ngày 12/8 (sẽ có gần 1,5 triệu lao động và gần 90 nghìn doanh nghiệp được thụ hưởng, hỗ trợ từ chính sách này).
Ngoài chính sách trên, thành phố đã thống nhất ban hành thêm 12 nhóm chính sách đặc thù của thành phố với mục tiêu vừa hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động nhằm ổn định cuộc sống vượt qua đại dịch, vừa tiếp tục duy trì chuỗi sản xuất, nhất là sau thời gian giãn cách. Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn Thủ đô đã kêu gọi được gần 100.000 suất quà, trị giá trên 40 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, lao động ngoại tỉnh, học sinh, sinh viên gặp khó khăn trong thời gian giãn cách.
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, kết quả này khẳng định rất rõ quan điểm chính sách Nhà nước là trụ cột, tạo sức lan tỏa thu hút nguồn lực xã hội cùng chung tay tham gia chăm lo an sinh xã hội, góp phần củng cố và khẳng định thế trận lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống đại dịch.
Đồng chí khẳng định, trong thời gian tới, thành phố sẽ quyết liệt thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là những chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước tại buổi kiểm tra và làm việc hôm nay.
Trong đó, cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô sẽ cố gắng hơn nữa, đoàn hết hơn nữa, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả, đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình để quyết định các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ từ sớm, dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân, hệ thống y tế và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Cùng đó, thành phố nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, tuyên truyền, vận động để mọi người dân Thủ đô tự giác, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch.
Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung kiểm tra, giám sát, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nghiêm các quy định “Mỗi cơ sở, cơ quan, đơn vị phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ phòng, chống dịch”.
TP sẽ triển khai chiến lược xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch.
Bên cạnh đó, Hà Nội huy động tối đa các nguồn lực với sự đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; Không được để ai thiếu ăn, thiếu mặc, đáp ứng các nhu cầu y tế của người dân ở mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.
Cùng với việc nỗ lực kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, thành phố cũng sẽ quan tâm thực hiện “nhiệm vụ kép”, có giải pháp phù hợp đối với các chính sách sản xuất kinh doanh; Các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp triển khai theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến” bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn để duy trì sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì phát triển kinh tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ có các phương án phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh để bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Trung ương đã đề ra và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định.