Biến thách thức nhựa thành cơ hội trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn
Tăng cường vai trò của báo chí trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa Thay đổi để hướng tới sản xuất xanh, thân thiện với môi trường |
Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Tuấn Nhân, trao đổi trong Hội nghị thường niên của Nhóm công tác triển khai trương chình NPAP diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12/4.
Được thành lập theo thỏa thuận hợp tác giữa Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE); Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa chính phủ và đối tác quốc gia quan trọng khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động.
Nhiều start-up tại Việt Nam đang nỗ lực tái chế rác thải nhựa thành những đồ vật có ích (Ảnh: The Incubation Network) |
Theo đó, ba giải pháp can thiệp chính cần được Việt Nam thực hiện để đạt mục tiêu quốc gia giảm thiểu rác thải nhựa đại dương 50% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030, bao gồm tập trung giảm thiểu và thay thế nhựa, mở rộng năng lực tái chế mang lại hiệu quả kinh tế, và mở rộng khu vực thu gom, xử lý an toàn chất thải rắn sinh hoạt cũng như ngừng xả rác bừa bãi.
Tại hội nghị, trưởng nhóm công tác, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Tuấn Nhân, khẳng định “Hội nghị thường niên là cơ hội để xây dựng, củng cố mối quan hệ, kết nối các chủ thể công tư và cộng đồng, nhằm hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và quản lý chất thải nhựa, biến thách thức nhựa thành cơ hội, động lực cho Việt Nam triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế tri thức với việc ứng dụng công nghệ cao để giảm phát thải nhựa”.
Chia sẻ quan điểm, bà Kristin Hughes - Giám đốc Chương trình đối tác hành động Toàn cầu về Nhựa (GPAP) và Chương trình Tuần hoàn nguồn lực của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhấn mạnh “Tiềm năng to lớn từ nền tảng đa chủ thể của NPAP, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sẽ tập hợp chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và đơn vị nghiên cứu cùng hợp tác chặt chẽ để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa”.
Hội nghị thường niên của Nhóm công tác triển khai trương chình NPAP diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12/4 |
Bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng đánh giá rất cao “sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc đặt ra mục tiêu thể hiện tham vọng và quyết tâm nhằm quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa thông qua cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn, như được đề cập tại Kế hoạch quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2023. Việc thực hiện mục tiêu này sẽ chỉ khả thi với những nỗ lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả, có sự phối hợp của các bên”.
Hội nghị thường niên của nhóm công tác đã trình bày những kết quả NPAP Việt Nam đạt được trong hai năm qua cùng kế hoạch hoạt động năm 2023, trong đó định hướng thành nhập các Nhóm kỹ thuật tập trung thúc đẩy chính sách, đổi mới sáng tạo và khơi nguồn tài chính, giới và phát triển toàn diện trong kế hoạch thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.
Ngay trước Hội nghị thường niên, các thành viên NPAP đã tham gia hội thảo với chủ đề “Tăng cường hợp tác đa bên nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa tại Việt Nam”, thảo luận sâu về hiện trạng môi trường chất thải nhựa ở Việt Nam, xác định các hành động cốt lõi cần thực hiện như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về bao bì bền vững, thúc đẩy thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tài chính xanh cho các dự án tái chế, và nâng cao năng lực cho địa phương trong lĩnh vực quản lý chất thải nhựa và chất thải rắn nói chung, cũng như giải quyết vấn đề liên quan đến giới và phát triển toàn diện.