Bình Dương: Gỡ “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số
Bình Dương: Kinh tế xanh gắn với kinh tế số Bình Dương: Nhiều quyết sách đúng đắn trên con đường phát triển kinh tế |
Thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương đã quan tâm chỉ đạo sát sao công tác chuyển đổi số, tạo sức lan tỏa trong tất cả hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Hiện Bình Dương có khoảng 65.000 DN, trong đó có trên 45.000 DN đang sử dụng các nền tảng số và có hơn 1.300 DN với 55.722 lao động cung cấp, kinh doanh điện, điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ số.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận 708.634 hồ sơ; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn chiếm 96%; Hồ sơ giải quyết trong hạn chiếm 3,97%; Hồ sơ giải quyết quá hạn chiếm 0,03%.
Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Bình Dương |
UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến.
Đồng thời, tỉnh phê duyệt danh mục 731/1.950 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 (từ ngày 1/6/2023 - 30/9/2023), chiếm 37%.
Đối với Đề án 06, Công an tỉnh Bình Dương đang chủ trì triển khai 11 dịch vụ công thiết yếu. Đến nay, 100% công an các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tiến độ đề ra. Trong đó, các đơn vị thực hiện đăng ký thường trú hồ sơ trực tuyến đạt 37,83%; Đăng ký tạm trú đạt 66,43%; Đăng ký lưu trú đạt 100%; Đăng ký đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu đạt 100%; Cấp hộ chiếu phổ thông đạt 83,6%.
Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực |
Đối với nhóm 14 dịch vụ công thuộc các sở, ban, ngành, tỉnh đã triển khai được 12/14 dịch vụ, còn 2 dịch vụ hiện đã kết nối chuẩn bị thực hiện là "Liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí, và liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi"; Trong đó, 2 dịch vụ công do Bảo hiểm xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến đạt 100%.
9/9 đơn vị cấp huyện đã thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp huyện với việc đầu tư máy móc, thiết bị, khu vực làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC.
Bộ phận một cửa cấp xã đang triển khai cải tạo, nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua các năm luôn duy trì ở mức trên 94%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận 708.634 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 96%; 3,97% hồ sơ đang giải quyết trong hạn.
Tỉnh đã triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Chính phủ. Về rà soát, đánh giá và cắt giảm, đơn giản hoá TTHC, đã có 16 đơn vị cấp tỉnh tổ chức rà soát đánh giá gần 60 thủ tục hành chính.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác chuyển đổi số của tỉnh Bình Dương vẫn còn những khó khăn, như: Phát triển hạ tầng viễn thông đang vướng ở quy hoạch về mục đích sử dụng đất bưu chính viễn thông; Trong các khu dân cư quy hoạch mục đích sử dụng đất ở đô thị nên không thể cấp phép xây dựng trạm viễn thông.
Bình Dương đang phát triển mạnh hệ thống camera cho đô thị thông minh nhưng chưa có tiêu chuẩn, định mức và hướng dẫn ban hành nên rất khó khăn, lúng túng trong công tác đầu tư, mua sắm và kết nối các hệ thống...
Ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định Bình Dương luôn mong muốn xây dựng một chính quyền số, kinh tế số và xã hội số hoàn thiện vì mục đích phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp |
Trước đó, ngày 3/10, tại Hà Nội, lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Bình Dương đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp; Hỗ trợ Tổng Công ty Becamex IDC lập hồ sơ và hoàn thiện nền tảng số khu công nghiệp thông minh để được công nhận; Hỗ trợ nguồn lực đào tạo, đào tạo lại về công nghệ số cho người lao động ít nhất 1 giờ/tuần cho khoảng 1,2 triệu công nhân trong các khu công nghiệp...
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh Bình Dương dành nhiều nguồn lực cho công tác chuyển đổi số; Chuẩn bị nhiều điều kiện tiếp tục đầu tư cho 3 trụ cột chuyển đổi số gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Bình Dương đang triển khai chủ trương đầu tư trung tâm kiểm soát an ninh và giao thông của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đầu tư mạng 5G cho trung tâm hành chính của tỉnh để tạo thuận lợi hơn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Lợi mong muốn trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ tỉnh Bình Dương và cho ý kiến, thẩm định về công nghệ đầu tư để đạt hiệu quả cao nhất; Hướng dẫn tỉnh tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để nâng cao các chỉ số đánh giá về chuyển đổi số của tỉnh nhằm đạt được kết quả chuyển đổi số toàn diện, tốt hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu cuốn cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số địa phương sẽ sớm được ban hành trong tháng 10 |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu các ý kiến, đề xuất của tỉnh Bình Dương; Đồng thời cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng “cẩm nang” để hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, trong đó có tỉnh Bình Dương cần phải làm gì, làm thế nào và bao giờ xong... Từ đó, các địa phương chủ động hơn trong công tác đầu tư, phát triển.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lưu ý các cơ quan chuyên môn của bộ ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Dương, từ đó có những hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ tỉnh trong công tác chuyển đổi số...