Bình Dương: Khai thác, phát huy tối đa lợi thế để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Ngành Du lịch Bình Dương từng bước phát triển và tăng trưởng đều |
Tiếp tục phát triển các dịch vụ du lịch
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Dương vẫn đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu các khu du lịch, điểm du lịch, các di tích danh thắng, các làng nghề truyền thống… trên địa bàn tỉnh đến du khách trong và ngoài nước cũng như sử dụng các phương tiên thông tin truyền thông như Đài Phát thanh và Truyền hình, Internet…để quảng bá.
Tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc tham gia các hội chợ triển lãm du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu về du lịch Bình Dương. Từ đó đẩy mạnh phát triển du lịch, khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa lý, các tiềm năng du lịch thiên nhiên và du lịch văn hoá.
Sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn của Bình Dương |
Tiếp tục phối hợp với Saigontourist khai thác và phát triển tuyến du lịch đường sông trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai để thu hút khách đến Bình Dương, nhất là khách du lịch quốc tế; Đồng thời khai thác các khu du lịch hiện hữu cũng như các di tích lịch sử văn hoá, tham quan các làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch thể thao cao cấp…
Bên cạnh đó lựa chọn các hộ nhà vườn có nhà vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh xây dựng các điểm đến phục vụ khách đến tham quan du lịch sinh thái vườn, sau đó nhân rộng mô hình này để người dân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có vườn cây ăn trái cùng làm du lịch, nhằm góp phần đa dạng hoá các loại hình du lịch và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch như: Dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển khách du lịch, dịch vụ lưu trú, dịch vụ mua sắm, dịch vụ ăn uống…
Vườn trái cây Lái Thiêu của Bình Dương |
Vận động và khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch để phục vụ du khách đến Bình Dương trong thời gian tới.
Phát huy lợi thế 3 không gian
Để du lịch tỉnh Bình Dương phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng, Tỉnh sẽ chú ý đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong nước và nước ngoài; Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch của 3 không gian theo Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Không gian phía Nam gồm khu vực thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và một phần của thị xã Bến Cát. Phát triển sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch sinh thái (du lịch miệt vườn, du lịch sông nước), du lịch văn hóa (tham quan di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, du lịch tâm linh, tín ngưỡng), vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch mua sắm, du lịch MICE, du lịch thể thao cao cấp... Khu vực ưu tiên đầu tư là khu vực miệt vườn Lái Thiêu và khu vực ven sông Sài Gòn.
Du lịch đường sông Bình Dương |
Đối với không gian phía Nam có một số điểm tham quan như: Du lịch sinh thái miệt vườn Lái Thiêu; Du lịch văn hóa (tham quan các di tích lịch sử văn hóa như Nhà tù Phú Lợi, nhà cổ ông Trần Văn Hổ, nhà cổ ông Trần Công Vàng, Bảo tàng tỉnh, Công viên văn hoá Thanh lễ, du lịch tâm linh, tín ngưỡng ở chùa Bà Thiên Hậu, chùa Hội Khánh); Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí (khu du lịch văn hoá thể thao Đại Nam; Phương Nam Resort, Du lịch xanh Dìn Ký, Công viên nghỉ dưỡng Mắt xanh, Sài Gòn Park Resort); Du lịch mua sắm (Trung tâm Minh Sáng Plaza, làng sơn mài Tương Bình Hiệp,...); Du lịch thể thao cao cấp (đánh golf ở sân golf Sông Bé, sân golf Phú Mỹ), Du lịch sông nước trên sông Sài Gòn...
Trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với Saigontourist khai thác phát triển tuyến du lịch đường sông Sài Gòn để đưa khách đến Bình Dương tham quan; Đồng thời tiếp tục khai thác các khu du lịch hiện có cũng như các di tích lịch sử văn hoá, du lịch tham quan các làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch thể thao cao cấp… và lựa chọn các hộ gia đình có nhà vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh xây dựng các điểm đến phục vụ khách đến tham quan (mô hình du lịch sinh thái vườn), sau đó nhân rộng mô hình này để người dân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có vườn cây ăn trái cùng làm du lịch, nhằm đa dạng hoá các loại hình du lịch phục vụ du khách đến tham quan.
Làng nghề truyền thống sẽ khiến du khách thích thú |
Không gian phía Tây Bắc gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn, khu vực phụ cận thuộc huyện Dầu Tiếng và thị xã Bến Cát. Phát triển sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Khu vực ưu tiên đầu tư gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, khu vực ven sông Sài Gòn, khu vực hồ Cần Nôm.
Đối với không gian phía Tây Bắc có một số điểm tham quan như Khu du lịch Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng, Du lịch Đọt Chămpa và các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện Dầu Tiếng (như Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, căn cứ cách mạng Rừng Kiến An, vườn cao su thời Pháp thuộc, địa điểm lần đầu tiên Mỹ rải bom B52 tại Việt Nam)...
Riêng khu du lịch núi Cậu - hồ Dầu Tiếng có “Dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu - Dầu Tiếng và bán đảo Tha La” quy mô 1.232ha, với tổng số vốn dự kiến trên 1.500 tỷ đồng, do Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư, đây là khu du lịch có quy mô lớn kết hợp với chùa Thái Sơn và hồ Dầu Tiếng sẽ thành điểm tham quan phục vụ du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Về nguồn với địa đạo Củ Chi |
Ngoài ra, không gian này còn có các dự án khác như: Khu di tích Địa đạo Củ Chi (mở rộng) sang phần đất xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng diện tích (100ha), Khu di tích Địa đạo Tam Giác Sắt (mở rộng) về phía sông Sài Gòn quy mô 50ha, để xây dựng khu dịch vụ bổ trợ cho di tích và phát triển du lịch, đây là cơ hội để Bình Dương khai thác phục vụ du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan.
Không gian phía Đông gồm khu vực dọc theo lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé thuộc thị xã Tân Uyên và huyện Phú Giáo. Phát triển sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch sinh thái vườn, du lịch sông nước, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch văn hóa, du lịch thể thao cao cấp... Khu vực ưu tiên đầu tư gồm khu vực ven sông Đồng Nai, khu vực hồ Đá Bàn, khu vực cù lao Rùa, cù lao Bạch Đằng...
Đối với không gian này có một số điểm tham quan như: Công viên văn hóa, nghỉ dưỡng Mắt Xanh; Các di tích lịch sử văn hoá, du lịch sinh thái vườn (vườn bưởi Bạch Đằng) và du lịch thể thao cao cấp (đánh golf ở sân Golf Mêkong).
Trong thời gian tới tiếp tục phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái vườn (tham quan vườn cam, quít - Bắc Tân Uyên), du lịch sông nước trên sông Đồng Nai, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần…
Tin chắc rằng, với định hướng có tầm chiến lược nhìn xa trông rộng như thế này, ngày càng nhiều khách du lịch đổ về Bình Dương để thưởng thức cái hay, cái đẹp và đắm say với đất, với người nơi đây.