Ngành Giao thông vận tải Bình Dương: Luôn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu xây dựng thành phố thông minh
Bí quyết duy trì sự phát triển bền vững các tiêu chí Nông thôn mới của tỉnh Bình Dương |
Cụ thể, ông Luận cho biết, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI do VCCI đánh giá hằng năm như vậy nhưng cán bộ nhân viên công tác trong lĩnh vực Giao thông vận tải của tỉnh Bình Dương luôn tự nhắc nhau không được phép tự bằng lòng mà phải coi đó là sự khích lệ để nỗ lực nhiều hơn nữa.
Nơi giao thông, vận tải đặc thù cung không theo kịp cầu
Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Trần Bá Luận tâm sự rất chân thành đặc thù của ngành Giao thông, vận tải tỉnh Bình Dương rất khác các nơi, đó là cung luôn không theo kịp cầu. Nhiều năm qua, giao thông của tỉnh Bình Dương được các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng; Người dân và các cấp ngành, doanh nghiệp đánh giá phát triển tốt.
Do đặc thù nằm trên hành lang vận tải trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như luồng tuyến vận tải từ Tây Nguyên, Bình Phước, Tây Ninh về TP HCM, đến các cảng biển Cái Mép đi ra quốc lộ 1 ra miền Bắc, đi ra đường xuyên Á để đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, Giao thông vận tải của tỉnh Bình Dương có vai trò và vị thế rất quan trọng.
Những con đường của tỉnh Bình Dương |
Tốc độ phát triển hạ tầng giao thông Bình Dương chưa theo kịp nhu cầu và sự phát triển kinh tế - xã hội mà chỉ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa; Theo đó, hạ tầng giao thông Bình Dương phát triển một thì các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… phát triển hai, ba để đón đầu.
Có một vấn đề mới nghe thì tưởng chừng rất “nghịch lý”, đó là càng làm đường thì càng tắc nhưng suy xét kĩ thì mới thấy do đường sá Bình Dương phát triển, đầu tư tốt, nhanh nên nhiều doanh nghiệp vận tải điều chỉnh luồng tuyến. Người dân và doanh nghiệp người ta tiếp tục đầu tư mua sắm phương tiện vận tải, đặc biệt phương tiện vận tải hàng hóa để phục vụ phát triển công nghiệp.
Do tốc độ tăng dân số cơ học của Bình Dương quá nhanh, hiện nay có 53% dân số từ các địa phương khác đến, đa số trong độ tuổi 18 - 45 nên phương tiện giao thông cá nhân tăng dẫn đến tốc độ phát triển hạ tầng giao thông nhanh nhưng cũng không kịp với tốc độ phát triển kinh tế, phương tiện giao thông.
Do vậy, cục bộ có hiện tượng ùn tắc ở một số vị trí, giao lộ, đoạn tuyến. Trước đây chỉ có quốc lộ 13, nay tuyến này cũng đã được nâng cấp nhưng cũng đến hồi “mãn tải”. Vì thế, đường Mỹ Phước - Tân Vạn giờ là trục xương sống Bắc Nam của tỉnh, kịp thời đáp ứng nhu cầu vận tải của vùng. Đến nay cả hai tuyến đường này cũng đã quá tải.
Những giải pháp có tính “gieo hạt”
Trong những năm qua, nhìn thấy trước vấn đề này, ngành Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các ngành các cấp tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp để tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trên tỉnh.
Trước hết, tỉnh rà soát, tham mưu quy hoạch, mở các tuyến đường theo các trục Bắc Nam, Đông Tây, các tuyến đường hướng tâm, xuyên tâm. Trên cơ sở quy hoạch đó tham mưu kế hoạch của từng giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025 phấn đấu hoàn thành đường Mỹ Phước - Tân Vạn; Tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, đặc biệt dự án O&M của đường Mỹ Phước - Tân Vạn; Đầu tư những tuyến đường huyết mạch của tỉnh như Bàu Bàng, giao lộ khác mức.
Song song đó là dự án bus nhanh BRT, ĐT 743, hoàn thành đưa vào sử dụng một số dự án giao thông ĐT 77b…; Tham mưu tỉnh đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2 kết nối với tỉnh Đồng Nai, là một phần của vành đai 3.
Tham mưu hoàn thành 11/44km đường vành đai 4 đi qua địa bàn Bình Dương và nhiệm kì tới tiếp tục làm tổng cộng 33km đường vành đai 4, nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường kết nối với tỉnh Tây Ninh… Một loạt những giải pháp đồng bộ đó làm tập trung quyết liệt thì giai đoạn 2021 - 2025 sẽ làm chuyển biến rõ rệt cải thiện hạ tầng giao thông tỉnh.
Sở cũng nhận ra rằng áp lực giao thông chủ yếu đè nặng giao thông đường bộ. Giao thông đường thủy tỷ lệ rất ít, đường sắt Bắc Nam dài 68km nhưng chỉ đi ngang Bình Dương không trực tiếp phục vụ kinh tế xã hội của tỉnh.
Trong thời gian qua, ngành đã tham mưu tỉnh mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số cảng trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, như cảng An Sơn, cảng Thạnh Phước, cảng Thường Tân, đáp ứng 1 phần nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường thủy, giảm tải cho đường bộ.
Tuy nhiên, việc phát triển giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu; trong đó, có nguyên nhân do vướng tĩnh không các cầu Bình Lợi, Phú Long trên sông Sài Gòn, vướng các bãi đá ngầm trên sông Đồng Nai.
Hiện Sở GTVT Bình Dương đã và đang tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng cảng trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai…
Tuy vậy, đầu tư xây dựng cảng đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, thời gian thu hồi lâu tính bằng hai, ba chục năm, tính hấp dẫn về lợi nhuận không cao. Bởi vậy phải những doanh nghiệp trường vốn, mạnh vốn và tâm huyết với tỉnh mới có thể làm được nên rất khó khăn.
Nhằm định hướng phát triển giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, đô thị hoá trên địa bàn tỉnh Bình Duong nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Sở GTVT Bình Dương đã và đang tham mưu lãnh đạo tỉnh định hướng phát triển đường sắt, đặc biệt là đường sắt vận tải hàng hoá phục vụ công nghiệp và đường sắt đô thị, vận chuyển hành khách đô thị với khối lượng lớn, tốc độ cao, tăng dần tỷ trọng vận tải của đường thủy, đường sắt, từng bước hình thành thị trường vận tải đa phương thức, giảm áp lực giao thông cho hạ tầng đường bộ.
Dù khó ông Luận và đồng nghiệp cũng xác định phải “gieo hạt” từ bây giờ vì đây là định hướng lâu dài vì đòi hỏi vốn lớn và kỹ thuật, càng định hướng sớm càng tốt.
Bình Dương cũng đẩy mạnh xã hội hóa trong việc phát triển giao thông, vận tải bởi đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhiều ngành đã áp dụng thành công, đạt hiệu quả tốt nên giao thông cũng lấy đó làm gương để phấn đấu.