Bình Phước: Chủ động ứng phó nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước
Theo dự báo, năm 2023, nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình. Số ngày nắng nóng xuất hiện nhiều hơn so với năm trước; Khả năng còn xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối, có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Một hồ chứa nước tại huyện Đồng Phú, Bình Phước |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023, UBND Phước đã ra công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm, điện triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, các địa phương phải ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc, gia cầm và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
Các đơn vị, địa phương Chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu phương án đấu nối đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước sạch từ đô thị phục vụ cho nông thôn; Vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước; Cung cấp nước kịp thời, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của Nhân dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt.
UBND tỉnh Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi; Thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn.
Sở phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị quản lý công trình thủy lợi, thủy điện tính toán và lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2023; Có phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng linh hoạt, phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi; Hướng dẫn các địa phương về mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với thời gian xả nước của các hồ chứa theo kế hoạch, không để kéo dài thời gian lấy nước.
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước để xây dựng phương án sử dụng nước đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra...
UBND tỉnh giao Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn nhanh chóng; Kịp thời cung cấp thông tin thời tiết cho các cơ quan, đơn vị liên quan được biết để chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước…
Tính đến năm 2021, toàn tỉnh Bình Phước có 73 công trình thủy lợi vừa và nhỏ; Trong đó có 62 hồ chứa vừa và nhỏ, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn, với năng lực thiết kế tưới 9.286ha; Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt với công suất 133.642m3/ngày đêm. Qua đó, hệ thống phục vụ đến nay là 6.939ha (đạt 75,04% công suất thiết kế) và cấp nước sinh hoạt 10,106 triệu m3/năm (đạt 20,71% công suất thiết kế). Tổng diện tích tưới chủ động theo thiết kế của các công trình thủy lợi đạt 13,07% so với tổng diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn tỉnh (tính đến cuối năm 2021, diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn tỉnh là 70.765ha). Đối với diện tích cây trồng còn lại, người dân trong tỉnh phải dùng biện pháp như bơm điện, bơm dầu từ nguồn nước sông, suối, ao, hồ, nước ngầm trên địa bàn. |