Bình Thuận - Bài 2: Đi tìm nguyên nhân đường tránh Quốc lộ 55 “hỏng rồi vá, vá lại hỏng”
Tuyến tránh thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân) từ Km94+170 đến Km98+521 dài khoảng 4,3Km.
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin phản ánh của người dân về chất lượng tệ hại tuyến đường tránh Quốc lộ 55 qua thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) dài gần 5 km, bề rộng nền đường 21m, được đầu tư xây dựng hơn 50 tỷ đồng và Công ty CP Đầu tư Xây dựng 886 - Thành Nam (trụ sở TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tập đoàn Rạng Đông (trụ sở TP Phan Thiết, Bình Thuận) là đơn vị thi công.
Khi đưa vào sử dụng, người dân kỳ vọng vào một tuyến đường chất lượng, giảm tải áp lực giao thông, thuận tiện đi lại. Nhưng trớ trêu thay, chỉ mới sử dụng được một thời gian, tuyến đường đã nhanh chóng xuống cấp, được sửa chữa nhiều lần nhưng cảnh ổ gà, ổ voi liên tục tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, khiến người dân vô cùng ngao ngán.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô ngày 8/10, nhiều đoạn của tuyến đường tránh Quốc lộ 55 vẫn bị hỏng lỗ chỗ, xuất hiện chi chít ổ voi, ổ gà; chỉ đếm khoảng 1km đường đã có tới hàng trăm miếng vá khiến tuyến đường trở nên xấu xí, mất mỹ quan.
Cũng theo quan sát của phóng viên, bề mặt đường được dải một lớp nhựa rất mỏng, chưa đảm bảo yêu cầu. Hơn nữa, tại thời điểm sáng 8/10, nhiều công nhân đang tiến hành sửa chữa các đoạn đường bị hỏng nặng, một số đoạn bề mặt đường được đào lên để sửa lại.
Liên quan đến tuyến đường này, thông tin thêm với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, đoạn tuyến tránh thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân) từ Km94+170 đến Km98+521 dài khoảng 4,3Km.
Tuyến tránh thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân) từ Km94+170 đến Km98+521 dài khoản 4,3Km. |
Trong đó, đoạn Km94+170-Km96+300 dài khoảng 2,1km do Công ty Cổ phần Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông) thi công, chiều rộng mặt đường 12m, chiều rộng nền đường 16m. Đoạn từ Km96+300-Km98+521 dài khoản 2,2km do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 886 – Thành Nam thi công.
Chủ đầu tư dự án là Sở Giao thông vận tải Bình Thuận; đơn vị Tư vấn giám sát là Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam. Còn đơn vị Tư vấn thiết kế là liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông 1 - CIENCO 1 và Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận, dự án tuyến đường tránh Quốc lộ 55 đã thi công hoàn thành tháng 12/2014 và bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng ngày 7/12/2015. Tuyến đường sau khi hoàn thành đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật liệu, khoáng sản được thuận lợi, giảm thiểu tai nạn giao thông cho đoạn tuyến Quốc lộ 55 cũ (đoạn từ Km94+170 đến ngã ba 46 cũ).
Một số đoạn đường được đào lên để sửa chữa. |
Bên cạnh đó, sau khi đoạn tuyến tránh thị trấn Tân Nghĩa đưa vào khai thác, đồng thời với việc hình thành Đại lộ Đông Tây, huyện Hàm Tân kết nối vào tuyến tránh nên các phương tiện đã tập trung đi trên đoạn tuyến này ra Quốc lộ 1.
Cũng theo đại diện Sở Giao thông vận tải tình Bình Thuận, nguyên nhân đường hư hỏng và sửa chữa nhiều lần là do việc Đại lộ Đông Tây, huyện Hàm Tân kết nối vào tuyến tránh và người dân hai bên đường san lấp mặt bằng nên khi trời mưa, việc thoát nước chậm dẫn đến xuất hiện nước ngầm tại một số vị trí trong nền đường. Đồng thời, lưu lượng xe trên tuyến tăng cao, đặc biệt là các xe tải nặng đã làm ảnh hưởng đến kết cấu áo đường dẫn đến việc hư hỏng cục bộ tại một số vị trí, nhất là vào mùa mưa.
Nguyên nhân tuyến đường tránh Quốc lộ 55 hư hỏng và phải sửa chữa liên tục đã được đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận nêu ra. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số kỹ sư, chuyên gia cầu đường thì những lý giải như vậy là chưa thỏa đáng, mới chỉ nói đến nguyên nhân khách quan mà chưa nói đến mặt chủ quan.
Tập đoàn Rạng Đông, một trong hai nhà thầu thi công tuyến đường tránh Quốc lộ 55. |
Theo ông Nguyễn Đức Hùng – Kỹ sư, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng cầu đường ở Hà Nội, các hư hỏng của mặt đường nhựa được chia làm nhiều loại, tuy nhiên có thể chia làm 2 loại chính.
Cụ thể, thứ nhất là những hư hỏng liên quan đến tình trạng bề mặt đường, loại này trực tiếp dẫn đến suy giảm đặc tính êm thuận của mặt đường, là một chức năng quan trọng của mặt đường. Thứ hai là những hư hỏng liên quan đến kết cấu mặt đường, loại này trực tiếp dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực và độ bền cần thiết đối với tải trọng giao thông, là một chức năng của mặt đường và liên quan đến toàn bộ kết cấu mặt đường.
Các hư hỏng liên quan đến tình trạng bề mặt và kết cấu mặt đường nhựa có thể do các tác nhân chính như điều kiện giao thông, điều kiện khí hậu, điều kiện môi trường, tình trạng hệ thống thoát nước, điều kiện vật liệu và điều kiện thi công. Việc nhận biết phạm vi hư hỏng mặt đường nhựa (mặt bằng và mặt cắt) và nguyên nhân hư hỏng rất quan trọng khi thiết kế sửa chữa và lên kế hoạch thực hiện sửa chữa.
“Việc xuất hiện ổ gà, ổ voi trên tuyến đường tránh Quốc lộ 55 có thể là do hàm lượng nhựa thiếu, do nhựa bị nung ở nhiệt độ quá cao trong khi thi công, trộn không đều, do ảnh hưởng của nước và do đầm nén không đủ. Cái này thì lỗi chính là của đơn vị thi công”, ông Hùng nhận định.
Cũng theo ông Hùng, việc xuất hiện bong tróc mặt đường nguyên nhân là do lão hóa của nhựa đường kết hợp với ứng suất lớn do tải trọng giao thông trong khi bong tróc là do dính bám kém giữa cốt liệu và bitum. Ngoài ra, độ rỗng cao trong hỗn hợp bê tông nhựa mặt đường làm cho nước trong lỗ rỗng chịu tác dụng rung động của tải trọng xe chạy là nguyên nhân bản dẫn đến hiện tượng bong tróc màng nhựa. Còn nếu mặt đường có hiện tượng rời rạc là do hàm lượng nhựa không đủ trong hỗn hợp, nhựa bị đốt cháy ở nhiệt độ quá cao, do ảnh hưởng của dầu từ phương tiện đi lại trên dường, thành phần vật liệu do không hợp lý và do lu đèn không đủ.
(Còn nữa...).
Bài liên quan
Bình Thuận - Bài 1: Tuyến đường tránh 50 tỷ đồng vá tới vá lui, hỏng vẫn hoàn hỏng