Bộ Giao thông vận tải họp tìm phương án lưu thông hàng hoá khu vực phía Nam
Bộ Công thương họp khẩn lên phương án cung ứng hàng hóa cho TP HCM TP HCM: Hàng hóa dồi dào, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân |
Tối 7/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến đột xuất với UBND 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam (TP HCM, các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ) để triển khai hoạt động vận tải trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cuộc họp được tổ chức ngay sau khi TP HCM công bố sẽ áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 toàn thành phố từ 0h, ngày 9/7.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, công tác tổ chức vận tải hàng hóa phải ưu tiên số một và phải kết nối các loại hình vận tải khác nhau để lưu thông thông suốt, đảm bảo sản xuất, tiêu dùng của người dân.
"Chúng ta phải quản lý chặt chẽ từ luồng hàng, tuyến đường, kiểm soát kiểm soát chặt kho hàng, bến bãi cũng hạn chế được sự lây lan dịch bệnh", ông Thọ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến đột xuất giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND 19 tỉnh khu vực phía Nam. (Ảnh: MT) |
Theo ông Thọ, để tránh tình trạng ùn tắc thì cần nghiên cứu điều kiện cụ thể theo tình hình của địa phương để phân luồng cũng như áp dụng những điều kiện về việc xét nghiệm; các đơn vị vận tải phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về quản lý quá trình xe chạy từ nơi đi đến nơi đến, quá trình bốc dỡ hàng hóa.
"Sở Giao thông vận tải các tỉnh quán triệt chỉ đạo các doanh nghiệp phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cho nhân viên và quản lý chặt chẽ hoạt động của đội ngũ lái xe, phục vụ trên xe và lộ trình phương tiện lưu thông", ông Thọ nói.
Hiện nay nhiều địa phương khu vực phía Nam cơ bản các hoạt động vận tải hành khách công cộng, hành khách hợp đồng, xe buýt, xe taxi, tuyến cố định liên tỉnh đã tạm dừng trong vòng 15 ngày tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Các địa phương có tuyến vận tải khách thủy cũng đã yêu cầu giảm số lượng chuyên chở để đảm bảo nguyên tắc 5K. Hiện nay chủ yếu tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa, tổ chức các luồng tuyến cho hoạt động vận tải hàng hóa.
Theo báo cáo của đại diện Sở Giao thông vận tải TP HCM, hiện nay, trên địa bàn thành phố, các hoạt động giao thông công cộng đã cơ bản tạm dừng, từ 9/7 tiếp tục dừng hết các xe hợp đồng, xe ôm cũng sẽ dừng, chỉ còn lại phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Trước mắt, TP HCM đề xuất tập trung ưu tiên vận chuyển hàng hóa lưu thông giữa các vùng Đông Nam Bộ, tiếp theo vận chuyển hàng hóa thứ yếu của vùng và các hoạt động vận tải hàng hóa qua cảng Cát Lái.
"Chúng tôi đã thống nhất với Sở Giao thông vận tải các tỉnh sẽ tạo 5 “luồng xanh” để phương tiện lưu thông đăng ký qua Sở là đầu mối cấp phù hiệu nhận diện và mã QR code cho xe được ưu tiên đi qua các trạm kiểm soát giao thông trong vùng, đảm bảo lưu thông nhanh chóng, không bị ùn tắc", đại diện Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết.
Vị này cũng cho biết, các địa phương cũng thống nhất sẽ tuân thủ các quy định về kiểm soát y tế, tuy nhiên các doanh nghiệp vận tải phải chủ động lên kế hoạch, sắp xếp phương tiện và cũng như việc xét nghiệm cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe để tránh ùn ứ tại các trạm kiểm soát dịch bệnh do chờ xét nghiệm.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương phải xác định các lộ tuyến có trọng tâm trọng điểm, ví dụ các cảng hàng hải, đường thủy nội địa, khu công nghiệp, các chợ, siêu thị hàng hóa…, thống kê nhu cầu vận tải hàng hóa, số lượng phương tiện vận tải để có giải pháp quản lý.
Đồng thời, liên quan đến việc quản lý phương tiện, các địa phương phải có giải pháp nhanh nhất, thuận tiện nhất, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian qua trạm kiểm soát; phải thông báo, thống nhất với nhau về việc quản lý luồng xanh giữa các địa phương đảm bảo kết nối, kiểm soát hiệu quả các phương tiện di chuyển.
Ông Thể cho rằng phải có quy định giao trách nhiệm cho doanh nghiệp vận tải chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm cho lái xe, nhân viên, phục vụ bốc xếp và có chế tài xử lý nghiêm với các doanh nghiệp vi phạm về luồng tuyến.
Đối với giải pháp vận chuyển chuyên gia, công nhân, các địa phương cần yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký phương tiện, số lượng công nhân, lộ trình di chuyển để các Sở Giao thông vận tải cấp phép và quản lý, phải quy định về cắt giảm số lượng vận chuyển, áp dụng các quy định giãn cách y tế phù hợp để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.
"Cần có sự thống nhất giải quyết vướng mắc theo cơ chế phối hợp, xây dựng các nhóm liên lạc qua các phương tiện công nghệ để trao đổi tiện lợi, nhanh chóng, tích cực xử lý kịp thời, cập nhật các chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan liên quan", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.