Bộ trưởng Bộ Tài chính: Để giảm giá xăng dầu không chỉ có giải pháp giảm thuế
Bán nhà 10 tỷ kê khai thuế 500 triệu đồng
Sáng 2/6, giải trình trước Quốc hội về việc siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để giảm tình trạng trốn thuế và có sự trục lợi về thuế, Bộ Tài chính đã có hai văn bản chỉ đạo cơ quan thuế phải siết chặt vấn đề thu thuế để đúng với giá trị mua bán.
Tuy nhiên, có những trường hợp ban đầu kê khai bán đất 500 triệu đồng nhưng sau đó kê khai lại lên 10 tỷ đồng đồng, như vậy là gấp 20 lần. Cá biệt có những trường hợp kê khai thấp hơn 40 lần. Chúng tôi tính ra bình quân là kê khai thấp hơn 6 lần.
Hiện theo quy định, việc kê khai tính thuế là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi theo giá trong hợp đồng. Nếu hợp đồng không ghi giá, hoặc thấp hơn giá đất Nhà nước, giá tính thuế sẽ theo khung nhà nước.
Việc người bán kê khai thuế thấp cũng là một trong những hành vi trốn thuế. Do vậy, việc siết chặt thu thuế chuyển nhượng bất động sản là đúng luật.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, sáng 2/6 |
Trước lo ngại của nhiều đại biểu việc siết thuế này sẽ tạo điều kiện cho cán bộ thuế nhũng nhiễu, Bộ trưởng Phớc cho biết, nếu có tình trạng cơ quan thuế nhũng nhiễu, lót tay, trục lợi, hối lộ thì sẽ xử lý nghiêm. Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, xây dựng dữ liệu về mua bán bất động sản để minh bạch hơn trong quá trình thu thuế bất động sản.
Về quản lý thị trường chứng khoán, gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phát sinh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chúng ta vẫn có tiềm năng rất tốt để có thể huy động vốn trên trái phiếu của doanh nghiệp.
Nhấn mạnh thêm về những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi mua bán và khi tham gia đầu tư. Bộ Tài chính đã ban hành công điện yêu cầu Uỷ ban chứng khoán và các cơ quan tiến hành kiểm tra việc phát hành trái phiếu, kiểm tra các công ty kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty phát hành trái phiếu và đã phát hiện một số vi phạm.
Mặc dù như vậy, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng thị trường chứng khoán vẫn là một kênh huy động vốn trung, dài hạn tốt trong thời gian tới.
Cân nhắc giảm thêm thuế với xăng dầu
Cũng trong thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn lo lắng về rủi ro giá xăng dầu khi mặt hàng này đã tăng lên mức kỷ lục, vượt 31.000 đồng một lít RON 95. Theo các đại biểu, việc này sẽ tiềm ẩn rủi ro cao tới lạm phát, tác động trực diện tới đời sống người dân, nhất là thu nhập thấp. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có ngay giải pháp giảm thêm thuế.
Giải trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói sẽ cân nhắc, đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội việc giảm thêm thuế với xăng dầu.
Bộ trưởng Phớc cho hay, tỷ trọng thuế trong mỗi lít xăng ở nhiều nước 45-60%, còn tại Việt Nam hiện khoảng 29-31%. Ví dụ, mỗi lít xăng RON 92 (loại xăng nền dùng để pha chế xăng E5 RON 92) với giá nhập khẩu hiện khoảng 22.000 đồng, tiền thuế là 8.000 đồng, tương đương khoảng 28%.
Từ 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% đến hết năm nay. Dư địa loại thuế này hiện còn 2.000 đồng mỗi lít xăng; 1.000 đồng với dầu. Ngoài ra, cơ cấu thuế trong mỗi lít xăng hiện còn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT..., các loại thuế này thuộc thẩm quyền quyền định còn Quốc hội.
Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, mỗi năm sản xuất được hơn 8 triệu thùng dầu thô. "Giá dầu thô tăng thì cũng bù đắp ngân sách được một phần nhưng chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa, nên khi giảm thuế sẽ phải cắt giảm các khoản chi, trong khi chính sách tài khoá đã được duyệt", ông chia sẻ.
Ngoài thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói thêm, muốn giảm giá xăng dầu thì cần đồng bộ nhiều giải pháp khác, chẳng hạn phải tăng cường chống buôn lậu với mặt hàng này. Hiện giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào khoảng 11.000 đồng, Campuchia 3.000 đồng một lít... Nếu giá xăng trong nước chênh lệch nhiều với một số nước trong khu vực (thấp hơn các nước), sẽ dẫn tới tình trạng thẩm lậu xăng dầu.
Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá, phải thúc đẩy nguồn cung xăng dầu, tức nâng công suất hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, đảm bảo cung ứng phần lớn nguồn cung trong nước.