Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kêu gọi cán bộ ngành Y đăng ký hiến mô, tạng
Khoảng 1.018 người đăng ký hiến mô, tạng Thủ tướng tri ân gia đình người hiến tạng Phát động Tuần lễ Hiến tặng mô, tạng Thúc đẩy nguồn mô, tạng hiến tặng từ người chết não |
Trước đó, sáng 19/5, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi".
Đồng thời Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và các đại biểu đã đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng ngay tại lễ phát động |
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.
Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.
Tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương, đông đảo đại biểu, các tầng lớp Nhân dân đã đăng ký hiến tặng mô, tạng, thể hiện nghĩa cử cao đẹp với tinh thần "cho đi là còn mãi"; nâng tổng số người đăng ký hiến tặng mô, tạng trong dịp này lên 3.812 người.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có thư kêu gọi tham gia đăng ký hiến mô, tạng cứu người.
Trong Thư kêu gọi, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, giác mạc... đến nay đã làm chủ được các kỹ thuật cao, sánh ngang với các nước trong khu vực.
Hiện nay, cả nước đã có 26 trung tâm ghép tạng với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực và kỹ thuật tiên tiến.
Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế và đội ngũ bác sĩ Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức |
Trong hai năm gần đây, mỗi năm Việt Nam ghép hơn 1.000 ca, đứng số 1 Đông Nam Á về số ca ghép tạng/năm. Thành công này thể hiện rõ nét những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú của ngành Y tế Việt Nam.
Đồng thời, điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tụy, hết lòng vì người bệnh của các nhân viên y tế, thắp lên hi vọng hồi sinh cho người bệnh suy tạng.
Tuy nhiên, nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam chủ yếu từ người hiến sống, chiếm 94%. Nguồn hiến từ người chết còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng.
Tỉ lệ đăng ký hiến mô, tạng của người dân nói chung và đặc biệt tỉ lệ hiến mô, tạng sau khi chết não của Việt Nam còn rất thấp.
Hiện nay, mới có hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, trong khi danh sách chờ ghép tạng luôn ở mức hàng chục nghìn người và mỗi ngày có hàng chục người chết vì không có tạng ghép.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái". Hiến tạng cứu người là nghĩa cử vô cùng cao đẹp, biểu trưng cho truyền thống "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tôi tin tưởng rằng mọi nỗ lực, lòng nhân ái và tâm huyết của mỗi cán bộ y tế là một phần quan trọng góp phần xây dựng nền y học Việt Nam và tô đậm thêm truyền thông "tương thân, tương ái" của dân tộc”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ.