Bộ trưởng Trần Tuấn Anh "mách nước" doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Sơn Tùng
Bài liên quan
Việt Nam - EU chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do
PV: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của 2 hiệp định EVFTA và IPA đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Cùng với những hiệp định khác trong khuôn khổ song phương và đa phương, 2 hiệp định trên sẽ tiếp tục tạo nền tảng cơ bản để chúng ta xây dựng hoàn thiện định hướng và chiến lược trong hợp tác với Liên minh Châu Âu cũng như trong việc thực thi các chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam trong nhiều khía cạnh, trong đó có xuất nhập khẩu bền vững.
Những thuận lợi trong thương mại sau hiệp định của Việt Nam với EU, sẽ mang lại nhiều đóng góp to lớn cho phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Những tăng trưởng thương mại có thể đạt đến con số 20% ngay trong những năm đầu tiên và tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.
Hai hiệp định quan trọng với Châu Âu cùng với những hiệp định thương mại khác, cũng sẽ giúp Việt Nam có được động lực để thực hiện những cải cách về thể chế pháp lý, cũng như tái cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và của sản phẩm thông qua những cơ chế và nội dung mà chúng ta đã cam kết.
EU là đối tác quan trọng của Việt Nam về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều của Châu Âu với Việt Nam sẽ mang lại những đóng góp to lớn cho tăng trưởng của GDP cũng như đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam.
Bên cạnh đó, hợp tác về đầu tư, hợp tác về công nghệ, đặc biệt là những ngành công nghệ quan trọng giúp cho Việt Nam tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển kinh tế trên cơ sở đa phương hoá, đa dạng hoá.
PV: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng các cơ hội do EVFTA và IPA mang lại thưa ông?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Doanh nghiệp Việt Nam với trình độ phát triển thấp hơn, đặc biệt với quy mô và năng lực của doanh nghiệp phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ có nhiều thách thức, yêu cầu đặt ra.
Chúng tôi cho rằng, để khai thác tốt những cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt và tiếp cận đầy đủ toàn diện đối với các nội dung của hiệp định EVFTA và IPA mà 2 bên đã ký kết.
Đặc biệt là trong những chương trình hành động của Chính phủ đã có những nội dung cụ thể về công tác tổ chức, công tác tuyên truyền thông tin.
Thứ 2, trong chiến lược tiếp cận thị trường của Châu Âu cả về hoạt động thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chúng ta đã có những thuận lợi trong cắt giảm thuế quan.
Tuy nhiên, đây chỉ là khởi đầu, quan trọng là thị trường châu Âu có đòi hỏi cao trong các lĩnh vực về chất lượng sản phẩm, hàng rào kỹ thuật, liên quan đến an toàn thực phẩm cũng như các điều kiện pháp luật cao trong vấn đề đầu tư.
Vì vậy các doanh nghiệp của Việt Nam cần nghiên cứu tổ chức các chiến lược thị trường, các hoạt động sản xuất đầu tư kinh doanh để đảm bảo năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường Châu Âu. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ có điều kiện không chỉ tiếp cận thị trường châu Âu mà còn hoà chung với nền kinh tế ở những khu vực khác.
Thứ 3, trong các hoạt động thương mại, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều hoạt động tranh chấp thương mại, đầu tư.
Vì vậy, những cơ chế xử lý tranh chấp thương mại, đầu tư cũng là nội dung Chính phủ quan tâm, xây dựng trong kế hoạch để hỗ trợ, cũng như cùng doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi của mình trong hoạt động thương mại, đầu tư.