''Bốn tại chỗ'' trong phòng, chống thiên tai ở Mê Linh
Hiệu quả thực tế từ đường dây nóng Huyện ủy Mê Linh Huyện Mê Linh đấu giá thành công 17 thửa đất, thu về gần 100 tỷ đồng |
Theo dự báo, năm 2022, thời tiết tại Hà Nội nói chung và huyện Mê Linh có diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, các trận mưa lớn cục bộ xuất hiện ngày một thường xuyên và bất ngờ hơn. Diễn biến thiên tai được đánh giá tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sản xuất và đời sống Nhân dân.
Được biết, huyện Mê Linh có hơn 19km đê tả sông Hồng đi qua địa bàn của 7 xã; Trên tuyến có 18 điếm canh, 4 kè và 2 cống qua đê. Tuyến đê này có vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ các cơ sở quân sự, sân bay quốc tế Nội Bài; Bảo vệ hàng chục vạn người và hàng nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn; Bảo vệ các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 23B, đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài…
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện kiểm tra tại tuyến đường 48 khu đô thị HUD, đoạn qua thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm |
Chính vì thế, để chủ động ứng phó với thiên tai, úng ngập, UBND huyện Mê Linh chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi; Nhất là hành lang đê sông Hồng và hệ thống tiêu thoát nước; Quan tâm đầu tư tu bổ, sửa chữa các công trình phục vụ chống sạt lở, úng ngập.
Ông Trần Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: Đến nay, 18/18 xã, thị trấn đã kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các cấp độ rủi ro theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Trong đó, toàn huyện tập trung rà soát hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, úng ngập để xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống xấu.
Đồng thời, hàng năm, huyện Mê Linh và các xã ven đê tổ chức diễn tập thực hành xử lý sự cố đê, kè, cống... qua đó nâng cao khả năng quản lý, điều hành của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp; Nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các tình huống trong mùa mưa bão, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Cụ thể, tại xã Hoàng Kim, địa phương thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai gồm 100 thành viên làm nhiệm vụ sơ tán người và tài sản từ vùng có nguy cơ úng ngập, sạt lở đất đến nơi ở an toàn; chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê…
Bên cạnh đó, xã Hoàng Kim thành lập 2 đội tuần tra canh gác đê, duy trì trực 24/24 giờ trong 4 tháng mùa mưa bão tại 2 điếm canh đê. Toàn bộ các vật tư cần thiết như phên nứa, cây tre, đầm, vồ, quốc, xẻng, cất, cát, gạch... đã được dự trữ tại 2 điếm canh đê và hợp đồng dự trữ trong các hộ dân, đảm bảo sẵn sàng sử dụng khi có thiên tai xảy ra.
Diễn tập xử lý mạch sủi, mạch đùn, giếng phun tại xã Hoàng Kim (Ảnh: Hữu Thành) |
Không riêng Hoàng Kim, hiện 7/7 xã ven sông Hồng đều phân công lực lượng trực các điếm canh đê, hồ để kịp thời phát hiện, xử lý giờ đầu sự cố. Mỗi xã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai gồm 100 người và đội tuần tra canh gác đê, duy trì trực tại các điếm canh đê trong 4 tháng mùa mưa bão.
Về vật tư, huyện cấp cho các xã 108 chiếc phao cứu sinh, 108 chiếc áo phao, 54 chiếc đèn sạc điện; 54 bộ cờ, đèn tín hiệu; 216 chiếc áo mưa… Đặc biệt, thành phố Hà Nội dự trữ tại xã Thạch Đà nhiều vật tư cần thiết như: 80m3 cát, 80m3 đá răm, 20.000 chiếc bao tải, 1.550m3 đá hộc được dự trữ tại thôn Văn Quán, xã Văn Khê và thôn Thanh Điềm, xã Tiến Thịnh.
Nhiệm vụ tuyên truyền cũng được huyện Mê Linh chú trọng. Các cơ quan, đơn vị, các xã tích cực tuyên truyền người dân về trách nhiệm, kỹ năng phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, úng ngập; Chủ động kế hoạch ứng phó nếu xảy ra thiên tai...
Lãnh đạo và Nhân dân huyện Mê Linh bày tỏ tin tưởng, với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ"; Công tác phòng, chống thiên tai của huyện Mê Linh sẽ phát huy hiệu quả, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa, bão, lũ.