Bức tranh phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhiều điểm sáng
Hội thảo góp phần quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội |
Mục tiêu hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia
Hội thảo là hoạt động quan trọng của ngành văn hóa, nơi các đại biểu tham gia cùng nhau trao đổi, chia sẻ và đánh giá về một chặng đường phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong 5 năm qua. Đây được xem là một bước quan trọng chuẩn bị cho hoạt động sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (2016 - 2021) sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào tháng 11/2022.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, vào năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc hội thảo |
Với tư duy và cách tiếp cận tổng thể, Chiến lược hướng tới việc nâng cao giá trị của văn hóa trên mọi phương diện như tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy hòa nhập xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và tăng cường khả năng cạnh tranh của các thương hiệu địa phương và quốc gia.
Việc triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy hệ thống văn hóa vào những chuyển dịch sâu rộng hơn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thức sâu sắc về sứ mệnh và vai trò quan trọng của mình trong việc hiện thực hóa các mục tiêu mà Chiến lược đề ra và nỗ lực chuyển hóa động lực ban đầu này thành các hành động cụ thể.
Từ việc đóng góp vào cải thiện khuôn khổ chính sách cho tới triển khai các kế hoạch và chương trình cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang ghi dấu ấn quan trọng trong những thành tựu mà các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đạt được trong 5 năm qua.
"Tuy nhiên, vai trò của Bộ sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu thiếu đi sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của nhiều bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và cá nhân tâm huyết với văn hóa nghệ thuật", Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang dần dần được coi là một động lực góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.
Nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), sau 3 năm triển khai chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương với 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước…
Bên cạnh việc đóng góp giá trị trực tiếp, các ngành công nghiệp văn hóa có tính liên ngành và bổ sung giá trị cao, đặc biệt là thông qua lĩnh vực thiết kế: Thiết kế với ngành thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, trò chơi trực tuyến, phần mềm, kiến trúc; Thiết kế với các ngành công nghiệp chế tạo và nhiều ngành kinh tế khác.
Thị trường mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc cũng rất sôi động. Từ 40 không gian sáng tạo năm 2017 đến nay đã phát triển lên hơn 200 điểm sáng tạo ở khắp mọi miền đất nước với những tổ hợp như Hanoi Creative City, Thiết kế 282 Designe.
So với các ngành công nghiệp khác, chi phí tái sản xuất trong ngành công nghiệp văn hóa thấp nhưng tốc độ tăng trưởng cao, chiếm hơn 7% GDP toàn thế giới với mức tăng trung bình hằng năm đều đặn 10%. Vì vậy, tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa được đẩy mạnh phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Các sản phẩm và dịch vụ chưa đồng đều
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nhận định các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa còn nhiều hạn chế.
Điều này khiến cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh, thu hút trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhiều thị trường văn hóa trong nước đang bị lấn át bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc cùng khu vực Châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết |
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, công nghiệp văn hóa thời gian qua cũng đã ít nhiều có tác động tới lĩnh vực âm nhạc, song mọi việc mới chỉ là bước đầu, chưa tạo ra nhiều dấu ấn. Để phát triển công nghiệp âm nhạc bền vững thì rất cần có sự đánh giá bình đẳng, những hỗ trợ về tài chính, có hành lang pháp lý và đặc biệt là có sự đồng hành bảo trợ của Nhà nước cho các dự án tốt, không kể là của các đơn vị công lập hay tư nhân.
Từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của nhiều nước trên thế giới, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất tăng cường đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam…
Ghi nhận những chia sẻ, ý kiến và đóng góp được các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định, 5 năm qua, bức tranh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam có nhiều điểm sáng nhưng cũng có nhiều hạn chế.
"Dẫu đã có nhiều bước phát triển tích cực nhưng để thành hình hài, phát triển một cách hệ thống, đạt được những mục tiêu lớn như chiến lược đề ra thì khối lượng công việc vẫn còn nhiều. Cùng với đó là các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời gian tới", Thứ trưởng nhấn mạnh.