Bước tiến quan trọng hướng tới Chính phủ số
Mốc son quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn thấp E-Cabinet là bước khởi đầu của Chính phủ số |
Đổi mới quản lý dân cư theo hướng hiện đại
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, vận hành và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chủ trì về công nghệ vừa khai trương cuối tháng 2/2021. Đây là một mốc lớn, là bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; Tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng, giúp đổi mới quản lý dân cư theo hướng hiện đại…
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay, khi đi vào hoạt động, 2 hệ thống sẽ hỗ trợ đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Qua nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia, dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ đồng/năm.
Sau một thời gian triển khai, đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc, bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”. Từ dữ liệu dân cư đã thu thập, người dân không phải mang bất kỳ loại giấy tờ (cắt giảm chi phí in tài liệu cho dân), cán bộ thu nhận không phải đánh máy nhập liệu (tiết kiệm thời gian cho cán bộ thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân).
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số |
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho hay: Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một bài toán hết sức phức tạp với quy mô lớn và phạm vi rộng, đòi hỏi các bên tham gia phải có tiềm lực mạnh về công nghệ thông tin cùng kinh nghiệm triển khai các dự án lớn mang tầm quốc gia.
Cụ thể, hệ thống quản lý thông tin của hơn 100 triệu người dân, phạm vi sử dụng trên cả nước với hơn 11.500 điểm từ cấp xã, huyện đến Trung ương, bảo đảm lượng người truy nhập hơn 40.000 người cùng lúc. Vì vậy, để giải bài toán phức tạp này, VNPT với vai trò là chủ trì công nghệ đã cùng với các đối tác trong liên danh (GTEL-ICT và Hadic) đã dốc sức triển khai.
“Chúng tôi đã tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất cùng các đối tác gấp rút triển khai bảo đảm tiến độ, đạt hiệu quả nhất”, ông Huỳnh Quang Liêm chia sẻ.
Với tiến độ “thần tốc” trong 5 tháng (từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021), VNPT và liên danh đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống, triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ, chiến sĩ công an sử dụng hệ thống; Đồng thời huy động lên tới 780 giảng viên nội bộ đào tạo cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính và Trật tự xã hội từ Trung ương đến địa phương để nắm vững nghiệp vụ quản trị, sử dụng và vận hành hiệu quả hệ thống.
Cùng với đó, VNPT đã phát triển 13 phần mềm cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, VNPT đã hoàn thành việc tổ chức đào tạo sử dụng 8 phần mềm ứng dụng, gồm: Quản trị ứng dụng; Cư trú; Quản lý tàng thư nhân khẩu, hộ khẩu; Quản lý biến động về dân cư; Báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư; Cổng thông tin dân cư; Thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư và xử lý vi phạm; Cung cấp dịch vụ dân cư. VNPT đã hoàn thành đào tạo cho hàng chục nghìn học viên là chiến sĩ công an về vận hành các ứng dụng trên hệ thống.
Hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số
Sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tăng năng suất xã hội và năng lực cạnh tranh. Do đó, Việt Nam cần đẩy nhanh nắm bắt và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước nói chung, trong quản lý dân cư nói riêng, tạo một hệ thống thông tin “công dân số” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của thời đại mới.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kỳ vọng là “chìa khóa” giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh |
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kỳ vọng là “chìa khóa” giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong các dịch vụ công trực tuyến. Dữ liệu dân cư được quản lý bởi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là căn cứ để xác thực, định danh công dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Trong quá trình thực hiện, VNPT cùng các đối tác trong liên danh triển khai đầy đủ các hệ thống hạ tầng, thiết bị để bảo đảm vận hành an toàn và kiểm soát được chất lượng hệ thống; lựa chọn kiến trúc về ứng dụng, hạ tầng, bảo mật đa lớp và đa công nghệ. VNPT áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại đang được sử dụng trên thế giới...
Các công nghệ được liên danh nhà thầu sử dụng bảo đảm hệ thống đạt được các tiêu chí về: Năng lực xử lý, hoạt động ổn định, an toàn thông tin tuyệt đối, tiện lợi cho người sử dụng - khai thác, chia sẻ dữ liệu, có khả năng tích hợp với các hệ thống của Chính phủ, Bộ, ban, ngành khác, dễ dàng mở rộng để đáp ứng các yêu cầu mới trong tương lai.
Cùng với đó, VNPT thực hiện đào tạo, chuyển giao cho cán bộ của Trung tâm dữ liệu dân cư (Bộ Công an) vận hành, khai thác hệ thống an toàn, hiệu quả khi có nhiều người truy nhập để sử dụng dịch vụ cùng lúc.
Quá trình xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long khẳng định, nhiệm vụ này được VNPT cùng với đối tác thực hiện một cách bài bản, đầu tư công nghệ tốt nhất, bảo đảm hệ thống được tuân thủ tiêu chuẩn cấp độ 4 về an ninh, an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ.
Với những dữ liệu đã được làm sạch, chuẩn hóa và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ của hơn 90 triệu dân (92% dân số), các hệ thống đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công các Bộ, tỉnh và sẵn sàng đi vào hoạt động.
Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là “chìa khóa” giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.