Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn thấp
Các đại biểu tại phiên tọa đàm về giải pháp công nghệ thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và phát triển chính phủ số |
Năm 2019, mặc dù tăng hai bậc trong xếp hạng chính phủ điện tử theo Liên hiệp quốc nhưng đến nay tỷ lệ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức cao nhất, nghĩa là hoàn tất khâu thanh toán trực tuyến, của Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Tại Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2020 (Vietnam e-Government 2020) diễn ra hôm qua 17/9, ông Nguyễn Trọng Đường - phó cục trưởng Cục Tin học hóa, bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tính đến tháng 12.2019, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp 3 đạt 20% và cấp 4 mới chỉ đạt 17%. Con số này tính đến tháng 9.2020 đạt khoảng 19%.
Theo đánh giá của đại diện bộ Thông tin Truyền thông, đơn vị xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia đến 2025, tầm nhìn đến 2030 - trong các chỉ số đánh giá năng lực chuyển đổi số từ trung ương đến bộ ngành, địa phương, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhìn chung còn rất thấp.
Năm 2020, lần đầu tiên chính phủ điện tử được Liên hiệp quốc lấy làm chủ đề cho báo cáo xếp hạng quốc gia. Việt Nam trong đánh giá gần nhất năm 2019 ở vị trí 86/193 quốc gia, tăng hai bậc so với năm trước đó. Tại châu Á, Việt Nam xếp thứ 24/47 và tính trong khu vực ASEAN xếp 6/11.
Trong khi Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 vào tốp 4 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử trong khu vực và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu trên toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh mục tiêu này khó thành hiện thực, Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc để làm.
Theo ông Đường, khó khăn lớn trong triển khai dịch vụ công trực tuyến nằm ở các quy trình thủ tục hành chính, vì thế đòi hỏi phải cải cách nhanh, mạnh và ngày càng tinh giản hơn nữa. Theo một báo cáo của UNDP, Việt Nam có tỷ lệ người dùng Internet cao nhưng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp, 70% người dân cho biết họ vẫn thực hiện các thủ tục hành chính tại chỗ.
Ông Phan Thiên Định - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa – Thiên Huế thừa nhận mặc dù địa phương này có tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cao nhưng đến nay dù cung cấp nhiều dịch vụ mức độ 3 thực hiện đăng ký qua mạng nhưng nhiều người vẫn làm việc trực tiếp tại cơ quan công quyền. Theo ông việc cải cách hành chính cần theo hướng tập trung đẩy mạnh những dịch vụ mà người dân thực sự cần.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, một trong những nỗ lực của chính phủ thời gian qua là triển khai cổng dịch vụ công quốc gia từ cuối năm 2019. Sau gần 9 tháng, nền tảng kết nối 63 tỉnh thành và 18 bộ ngành với 1.194 dịch vụ trong tổng số 6.842 thủ tục hành chính, tương đương 17%.
Hệ thống cũng ghi nhận 65 triệu lượt truy cập với khoảng 17 triệu hồ sơ đồng bộ cùng 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến. Với việc tích hợp cổng dịch vụ công quốc gia, ước tính có thể tiết kiệm khoảng 6.700 tỉ đồng chi phí xã hội mỗi năm và dự báo tiếp tục tăng. Tuy nhiên đại diện văn phòng chính phủ cho hay dù có cả ngàn dịch vụ nhưng con số thường được sử dụng và ghi nhận lượng hồ sơ cao chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong lĩnh vực giáo dục, theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo, để thúc đẩy thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công là không dễ dàng bởi hạn chế hạ tầng và người dân các khu vực nông thôn vẫn còn khó khăn trong tiếp cận dịch vụ.
"Cần rà soát xem thực tiễn những thủ tục nào có thể đẩy lên mức độ 4, những dịch vụ nào ở cấp độ 3 thì làm trước. Quan trọng là làm sao thu hút được người dân sử dụng dịch vụ nhiều hơn," theo ông Hải.
Đại diện Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng nhấn mạnh yếu tố quan trọng khiến người dân còn e dè với dịch vụ công trực tuyến là do thiếu niềm tin. "Trước đây, người dân đến nơi công quyền vốn đã rất khó khăn, huống gì thông qua máy tính. Cần tập trung cho chất lượng thay vì số lượng, nếu chất lượng dịch vụ tốt thì người dân sẽ có niềm tin," đại diện cơ quan này nêu quan điểm.
Ngân sách cho IT cũng là vấn đề được các đại biểu phân tích tại diễn đàn. Theo ông Trương Gia Bình, chủ tịch FPT, việc phân bổ ngân sách cho IT có ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hoàn thiện chính phủ điện tử. Cần đề cập ngân sách có tính chính danh trước mới đến việc dùng tiền sao cho hiệu quả. Ngân sách quyết định đến các hệ thống, làm sao tạo được trải nghiệm tốt, thu hút người dân sử dụng dịch vụ mà chính phủ cung cấp.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngân sách dành cho IT Việt Nam hiện ở mức khá thấp 0,3-0,5% ngân sách kế hoạch trong khi mức trung bình khu vực 1,3-1,5% và ở các nước phát triển 2-3%. “Quốc gia càng phát triển thì ngân sách chi cho IT càng cao,” theo ông Đường.
Bộ cho biết đang kiến nghị chính phủ cân nhắc tỷ lệ 1% ngân sách dành cho IT và được luật hóa một cách rõ ràng hơn. Hiện nay trong luật ngân sách nhà nước, không có hạng mục nào dành riêng cho IT, theo ông Đường.
Các diễn giả cho rằng muốn thu hút người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn nữa cần tạo cho họ một trải nghiệm tốt, từ trải nghiệm đó, người dân mới thấy được lợi ích trong việc sử dụng các dịch vụ công ty trực tuyến so với dịch vụ thông thường.
Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử do tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và UBND TP.HCM. Tính đến nay đã qua 15 năm tổ chức, trở thành một sự kiện thường niên có ý nghĩa quan trọng trong việc ghi nhận đóng góp, thảo luận, kiến nghị về mặt chính sách từ các bên hữu quan cho mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số của Việt Nam.
“Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |