Các điểm du lịch hút khách ở ngoại thành Hà Nội dịp SEA Games 31
Làng nghề truyền thống Bát Tràng
Trong những ngày này, làng nghề gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm đang tất bật chuẩn bị cho việc đón khách SEA Games 31 sắp tới. Được Sở Du lịch Hà Nội lựa chọn là một trong bốn điểm đến trọng điểm của Hà Nội phục vụ khách dịp SEA Games 31, dự kiến lượng khách đến tham quan, trải nghiệm tại Bát Tràng sẽ tương đối đông. Chính vì vậy, việc chuẩn bị các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng nhằm phục vụ khách đã được Sở Du lịch Hà Nội, các công ty lữ hành và xã Bát Tràng sớm triển khai và đến nay đã hoàn tất.
Công tác quảng bá sản phẩm du lịch Bát Tràng cũng được đẩy mạnh với sự tham gia của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác. Mới đây, xã Bát Tràng phối hợp cùng Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng tour xe đạp từ trung tâm Hà Nội về Bát Tràng, được du khách đánh giá cao.
Bát Tràng đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phục vụ du khách trong dịp SEA Games 31 |
Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, trước thềm SEA Games 31, huyện Gia Lâm đã khai trương Tuần lễ Du lịch Bát Tràng, khai trương một số điểm mua sắm, ăn uống đạt chuẩn. Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tổ chức một số triển lãm giới thiệu về những tinh hoa của nghề gốm, văn hóa, lịch sử làng nghề. Công tác nâng cao chất lượng du lịch làng nghề cũng được chú trọng nhằm phục vụ tốt nhất cho các đoàn đại biểu, huấn luyện viên, vận động viên và phóng viên báo chí tham dự SEA Games 31.
Để tạo hình ảnh đẹp về làng nghề truyền thống trong con mắt bạn bè quốc tế, xã Bát Tràng đã vận động Nhân dân chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, mua hoa cây cảnh trang trí ở trục đường chính. Chính quyền xã triển khai phương án đảm bảo giao thông, hạn chế những xe ô tô tải trọng lớn vào làng giờ cao điểm và ngày cuối tuần. Một mặt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đang tích cực sản xuất quà tặng có in hình biểu tượng, linh vật SEA Games 31 để phục vụ khách. Huyện Gia Lâm cũng đặt mặt hàng cốc in hình ảnh SEA Games 31 để làm quà tặng cho các đại biểu và vận động viên thi đấu tại Nhà thi đấu Gia Lâm.
Làng cổ Đường Lâm - Sơn Tây
Làng cổ Đường Lâm là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội, thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 50km về phía Đông. Khu di tích nằm ở phía Nam sông Hồng, cạnh quốc lộ 32, có ngã ba giao cắt với con đường Hồ Chí Minh. Do cách Hà Nội cũng không xa, cộng với địa điểm dễ tìm và đường đi khá thuận lợi nên việc di chuyển đến Đường Lâm không phải là điều khó khăn đối với nhiều du khách muốn tham quan nơi đây.
Mới đây, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã phối hợp với UBND xã Đường Lâm tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu các nét đẹp văn hóa của Làng cổ. Các hoạt động được tổ chức tái hiện nghề truyền thống nghề nhuộm củ nâu; trưng bày trang phục truyền thống; Giao lưu các cụ cao tuổi ở Đường Lâm nói về văn hóa của làng; Giới thiệu một số nét văn hóa Nhật Bản như trải nghiệm gấp giấy origami, trải nghiệm trang phục yukata của Nhật…
Làng cổ Đường Lâm là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế |
Phó Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết, Đường Lâm, Sơn tây đã phát huy, mở rộng các giá trị văn hoá để khách du lịch thấy được giá trị của các di sản, từ đó có ý thức bảo tồn di tích lịch sử trong khu dân cư. Đồng thời giúp người dân - chủ sở hữu của các di tích nhà cổ biết cách khai thác giá trị di tích góp phần phát triển kinh tế.
Cùng với làng cổ Đường Lâm, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đưa vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm nhằm tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của Nhân dân địa phương và du khách tham quan dịp SEA Games31 và mỗi dịp cuối tuần; Thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc thôn Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là nơi giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng trên tổng diện tích 1.544ha, bao gồm 7 khu chức năng là khu các làng dân tộc, khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí hiện đại, khu di sản văn hóa thế giới, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, khu dịch vụ du lịch tổng hợp và khu quản lý điều hành văn phòng.
Tới tham quan tại đây, du khách sẽ được đồng bào giới thiệu sản vật địa phương, ẩm thực, trang phục, trò chơi dân gian… mang đậm nét truyền thống văn hóa của các dân tộc. Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau nhằm tăng cường sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc Việt Nam tại "Ngôi nhà chung".
Để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, thời gian qua, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thường xuyên các hoạt động tại Khu các làng dân tộc thu hút khách tham quan. Duy trì và phát huy các chương trình hoạt động văn hóa theo chủ đề hàng tuần, hàng tháng trong năm, tạo sức hấp dẫn và lan tỏa đề không ngừng thu hút, phát triển lượng khách tham quan.
Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thường xuyên các hoạt động tại Khu các làng dân tộc thu hút khách tham quan |
Bên cạnh đó, thực hiện tốt nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng các công trình để khai thác có hiệu quả các công trình; Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan… Đồng thời, triển khai các hoạt động dịch vụ, khai thác kinh doanh phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách tham quan…
Ngoài các địa phương nói trên, các huyện khác của Hà Nội cũng có thế mạnh riêng để tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn. Chẳng hạn, xét về giá trị văn hóa, lịch sử, trên địa bàn Hà Nội không khó để thấy các điểm nổi tiếng như: Đền thờ Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín); Làng cổ Cự Đà, Ước Lễ (huyện Thanh Oai)...
Ngoài ra, các huyện ngoại thành còn là nơi quy tụ nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)... Đây đều là những “mỏ vàng” chưa được khai phá.
Cùng với ngành Du lịch Thủ đô, các ngành khác cũng đang nỗ lực để xây dựng hình ảnh Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đẹp hơn trong con mắt bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để Hà Nội khẳng định thương hiệu điểm đến tổ chức các sự kiện mang tầm thế giới và khu vực.