Các huyện, thị xã tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Ra quân cao điểm phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Cuối giờ chiều 17/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, tuần qua (từ ngày 8-15/9), số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng mạnh, với 2.010 ca tại 29 quận, huyện (tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8/2023). Đáng chú ý, có một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân xuất hiện tại huyện Thạch Thất (cụ thể là xã Phùng Xá với 439 ca và xã Hữu Bằng với 306 ca).
Để kiểm soát và hạn chế sự lây lan của ổ dịch, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Thạch Thất tăng cường công tác giám sát cộng đồng, giám sát bệnh viện, các ca bệnh và ổ dịch. Trong đó, huyện có giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véc tơ, giám sát phát hiện ca bệnh, tỷ lệ phát hiện ca bệnh đạt 98,9%.
Lãnh đạo TTYT huyện Thạch Thất kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các hộ gia đình |
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, huyện Thạch Thất thực hiện 27 đợt phun hóa chất tại các khu vực ổ dịch; Cụ thể: Phùng Xá: 15 đợt; Hữu Bằng: 5 đợt; Thôn 1, Canh Nậu: 2 đợt; Dị Nậu: 4 đợt; Phú Thụ, Lại Thượng: 1 đợt.
Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã thực hiện 2 đợt tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Các khu vực ổ dịch xã Phùng Xá, Hữu Bằng, Dị Nậu, Lại Thượng, Canh Nậu đã triển khai 36 đợt vệ sinh môi trường với quyết tâm khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Trong thời gian tới, TTYT huyện Thạch Thất, tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch; Tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch mới; Thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại khu vực ổ dịch, nguy cơ cao để phòng chống sốt xuất huyết.
Tại huyện Mê Linh, thông tin từ UBND huyện Mê Linh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 109 ca bệnh sốt xuất huyết, tập trung tại 4 ổ dịch: Thị trấn Quang Minh (2 ổ dịch), xã Mê Linh (1 ổ dịch), xã Hoàng Kim (1 ổ dịch).
Cụ thể, Trung tâm Y tế huyện Mê Linh đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn, xử lý ổ dịch tại thôn 4 Hạ Lôi (xã Mê Linh); Xóm 10, thôn Hoàng Xá (xã Hoàng Kim) và 2 ổ dịch tại tổ dân phố số 8 (thị trấn Quang Minh).
Phun hóa chất xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại tổ dân phố số 8, thị trấn Quang Minh |
Trong đợt ra quân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, 18 xã, thị trấn đã thành lập được mạng lưới gồm 670 cộng tác viên, trên 1.000 thành viên đội xung kích và 214 tổ giám sát phòng, chống sốt xuất huyết. Qua đó, các đơn vị kiểm tra được 55.847 hộ gia đình, đạt 98,95% số hộ trong huyện; Xử lý được 8.233 dụng cụ chứa nước có bọ gậy…
Tương tự, tại huyện Thường Tín, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế huyện, từ đầu năm 2023, toàn huyện đã ghi nhận gần 200 ca mắc sốt xuất huyết. Đặc biệt, thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh, riêng xã Văn Tự có số ca mắc cao nhất với 91 ca ở 2 ổ dịch. Trong đó, ổ dịch ở thôn Nguyên Hanh bắt đầu xuất hiện từ ngày 20/6. Từ đó đến nay, huyện và xã đã tổ chức phun thuốc liên tục với 4 lần và tổng vệ sinh môi trường tới 9 lần tại ổ dịch ở đây nhưng hiện nay tại đây vẫn còn tới 14 ca mắc sốt xuất huyết.
Nâng cao ý thức của Nhân dân trong phòng, chống dịch
Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của Nhân dân được coi "chìa khoá" nhằm nâng cao hiệu quả là trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Được biết, huyện Thạch Thất đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch trên hệ thống loa, đài truyền thanh từ tuyến huyện đến các xã, thị trấn; Truyền thông lưu động; In tờ rơi cấp phát tới các hộ gia đình; Tuyên truyền trên các trang mạng xã hội…
Đồng thời, huyện Thạch Thất cũng tăng cường công tác truyền thông lồng ghép tại các hội nghị, cuộc họp tại khu dân cư để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết và nắm được các dấu hiệu của bệnh, từ đó có biện pháp phòng chống hiệu quả.
Tuyên truyền lưu động phòng chống dịch sốt xuất huyết |
Kể từ đầu năm tới nay, huyện Thạch Thất đã tổ chức 46 lớp truyền thông trực tiếp tại công đồng về phòng chống dịch sốt xuất huyết; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhằm phát huy tốt vai trò của các đội xung kích diệt bọ gậy trong việc tuyên truyền vận động người dân thường xuyên thau rửa, lật úp, loại bỏ các dụng cụ chứa nước, phế liệu, phế thải. Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về phòng chống sốt xuất huyết cho nhân viên y tế thôn, bản...
Tại Mê Linh, việc tuyên truyền phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng được quan tâm thích đáng. Trưởng phòng Y tế huyện Nguyễn Thành Khang cho biết, trên tinh thần chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, các xã, thị trấn đã phát động đợt ra quân cao điểm phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân bằng nhiều hình thức...
Tính đến ngày giữa tháng 9, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai khoảng 20 lượt chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các xã, thị trấn và các trường học; tổ chức truyền thông hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện và 18 xã, thị trấn; Phát 41.000 tờ rơi phòng, chống sốt xuất huyết tới các hộ gia đình.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng. Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần, số ca tử vong tương đương.
Nhân dân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch sốt xuất huyết |
Theo CDC thành phố, trong tuần tới, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông, Phúc Thọ.
CDC Hà Nội yêu cầu, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu UBND các địa phương tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn.
Các địa phương cần tiếp tục tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Mặt khác, các địa phương cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.