Các trường học nỗ lực tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông
Mô hình Cổng trường an toàn tại trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) giờ tan học
Bài liên quan
Hà Nội phấn đấu 100% trường học có thư viện độc lập
Hơn 7.000 trường học thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá
Khoa Phát thanh-Truyền hình kỷ niệm 40 năm thành lập và phát triển
Thực hiện trách nhiệm xã hội tại Bình Thuận, Novaland tiếp tục song hành cùng giáo dục và đào tạo
Bài 2: Khi tiết học không chỉ là cô giảng- trò ghi...
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nằm ở quận trung tâm của Thủ đô, thường xuyên đối mặt với mật độ cao người và phương tiện tham gia giao thông. Ðể đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh cũng như người tham gia giao thông, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên cử giáo viên túc trực những giờ cao điểm để hỗ trợ, nhắc nhở, tránh việc học sinh khi ra khỏi cổng trường phóng nhanh, vượt ẩu, tụ tập, dàn hàng ngang khi tham gia giao thông. Với cách làm đó, nhiều năm học gần đây, tại khu vực cổng trường không có vụ tai nạn nào do học sinh gây ra. Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức tham gia giao thông cho học sinh, nhà trường thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ; hướng dẫn lái xe an toàn cho giáo viên và học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Thuý Nhàn – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường đặc biệt quan tâm và thường xuyên có những sinh hoạt chuyên đề, hoạt động ngoại khoá để phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan đến trật tự, ATGT cho các em bởi trường ở ngay mặt đường lớn. Vào các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường mời các chiến sỹ cảnh sát giao thông đến để tuyên truyền cho các em, đồng thời lắng nghe những câu hỏi tình huống cụ thể để chính học sinh sẽ là những tuyên truyền viên, giúp những người trong gia đình cùng nâng cao ý thức khi tham gia giao thông”.
Là một trường có số lượng học sinh đông nhất nhì của quận Hà Đông (Hà Nội) với hơn 2000 học sinh, trường Tiểu học Văn Yên (phường Phúc La) cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến học sinh. Các hình thức tuyên truyền được trường thực hiện rất đa dạng, phong phú như: Lồng ghép trong sinh hoạt đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp, các em học sinh sân khấu hóa trong các hội thi, vẽ tranh tuyên truyền…
Bà Phương Thị Thìn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thông qua buổi tuyên truyền ấy, chính các em học sinh lại trở thành một tuyên truyền viên để nhắc nhở bố mẹ, người thân xung quanh mình về ý thức chấp hành Luật Giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Từ đó, nhà trường muốn chung tay cùng cả xã hội ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông”.
Không chỉ tuyên truyền trực quan, sân khấu hóa qua các hội thi, nhiều mô hình Cổng trường an toàn giao thông đã được thành lập ở các nhà trường giáo dục học sinh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Có thể kể đến: Mô hình cổng trường an toàn giao thông ở các trường: THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), THPT Phương Nam (Hoàng Mai), Tiểu học Thanh Xuân A (Sóc Sơn)…
Phối hợp nhiều kênh
Đồng chí Thượng úy Nguyễn Văn Yên - Đội CSGT số 4 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết: Để công tác tuyên truyền Luật Giao thông có hiệu quả, cần xác định có 4 nhóm đối tượng cần tuyên truyền: (1) Nhóm thường xuyên tham gia giao thông, có nguy cơ vi phạm luật giao thông đường bộ cao là lái xe, thợ hồ, người có ngành nghề lao động tự do; (2) Những người dân sinh sống dọc trên các tuyến giao thông; (3) Nhân dân ở các địa bàn vùng nông thôn; (4) Cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên. “Tùy vào từng đối tượng mà chúng tôi tổ chức áp dụng hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp để họ dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ thực hiện”, Thượng úy Yên cho biết.
Nếu trước đây, tuyên truyền trực quan là chính thì bây giờ từ các nhà trường đã áp dụng nhiều hình thức khác song song với tuyên truyền trực quan như tổ chức tọa đàm, đối thoại, diễn đàn, thi tìm hiểu pháp luật về ATGT… để đưa nội dung tuyên truyền đến gần với tất cả mọi người, giúp cho đối tượng được tuyên truyền là các em học sinh nhớ sâu, hiểu rõ hơn vấn đề. Thông qua đó, ngành chức năng cũng có thể nhận xét, đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền để điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt là tiến hành các cuộc tuyên truyền trực tiếp đối với người tham gia giao thông, tặng mũ bảo hiểm chất lượng để nhắc nhở mọi người phải tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Đã từng tham gia nhiều buổi tuyên truyền Luật Giao thông đến các em học sinh, Thượng úy Yên cho biết, đa phần, các em học sinh đã nhận thức rõ những vấn đề tồn tại hiện nay như tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, tai nạn giao thông, nhiều người tham gia giao thông chưa đội mũ bảo hiểm hay chưa tuân thủ các quy định về tín hiệu đèn giao thông. Các em học sinh cũng nhận thức khi tham gia giao thông trên đường, ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật về ATGT là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền thực sự có hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các nhà trường, xã hội, mỗi bậc phụ huynh cũng cần làm gương để con cái noi theo. "Điều đó có thể được thể hiện từ những hành động, việc làm rất nhỏ như: Đội mũ bảo hiểm cho bản thân, cho con khi tham gia giao thông; Dừng đỗ chờ đèn đỏ đúng nơi quy định; Không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng...", chị Hoa Lý (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.
Theo báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2019 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, toàn quốc xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người. Hàng ngày, hàng giờ, tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề nhức nhối với toàn xã hội.