Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, hướng tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp
Nỗ lực khơi dậy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp Chung sức cùng doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, thách thức |
Ngành Công thương cùng đất nước vượt khó
Năm 2021, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ngành Công thương đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, linh hoạt “nhiệm vụ kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đó là vừa chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, vừa chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhờ đó các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại vẫn được duy trì phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt con số 660 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020 và xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Tương tự, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của cả nước tăng khoảng 4-5%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (8-9%) nhưng đây là con số rất tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế.
Thời gian qua, dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, kể cả vật tư, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho thị trường trong nước và thế giới đều gặp khó. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã rất sáng tạo trong việc đưa ra những giải pháp cụ thể, phối hợp với các địa phương để thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế năm 2021 |
Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã có các biện pháp về hỗ trợ, giảm tiền điện cho doanh nghiệp và nguời dân với số tiền lên tới 16.750 tỷ đồng trong 5 lần giảm giá điện trong năm 2020 và 2021. Đặc biệt, ngành Công thương cũng luôn đi đầu trong quá trình cải cách hành chính cũng như mở cửa hội nhập để đảm bảo nền kinh tế có thể hoạt động trong bối cảnh khó khăn.
Những nỗ lực gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp, cùng với việc tiếp tục thúc đẩy triển khai các hiệp định thương mại tự do đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Thương mại của Việt Nam đã giữ được đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, làm động lực cho năm 2022 phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, trong bối dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc theo dõi diễn biến tình hình và có các giải pháp tiếp tục thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh một cách phù hợp.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương |
"Bộ Công thương đã, đang và sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, Bộ tập trung chú trọng công tác triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến thay thế cho các hoạt động truyền thống; Nâng cao năng lực triển khai hoạt động trên môi trường số cho cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại để phù hợp với tình hình mới.
Cải cách hướng tới lợi ích người dân, doanh nghiệp
Quán triệt tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” và coi nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chủ động, tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, chương trình cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công thương. Với quan điểm quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm từ 2016 đến nay, Bộ Công thương đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã chủ động triển khai hàng loạt các các giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, tạo sự thay đổi rõ rệt trong xây dựng Chính phủ điện tử và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài Chính trao lưu niệm tại buổi ký kết hợp tác 12/10/2021 |
Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Công thương cũng đã chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, tác động trực tiếp người dân, doanh nghiệp để đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Vị “tư lệnh” ngành Công thương cho biết, để tiếp nối thành quả đã đạt được cũng như thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Công thương sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng kế hoạch lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ cho giai đoạn 2021 - 2025.
"Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ luôn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế; Gắn xây dựng thể chế với ban hành chính sách, pháp luật; Bảo đảm các quy định thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước; Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện", Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Ttận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn thừa nhận, dù thương mại tăng trưởng cao nhưng nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất vẫn lệ thuộc vào thị trường thế giới, chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước và các chuỗi cung ứng quốc tế quan trọng, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, then chốt. Mặt khác, nhiều yếu kém nội tại vốn có của công nghiệp Việt Nam vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản và chịu ảnh hưởng khá nặng nề do dịch COVID-19. Năng lực và trình độ các doanh nghiệp nội địa còn yếu, giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp còn thấp; Tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu còn phụ thuộc rất nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động trong công nghiệp cỏn chưa có nhiều cải thiện.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục cùng các hiệp hội, ngành hàng, địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do dịch COVID-19 gây ra. Trong đó, Bộ chú trọng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo các chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong thời gian qua.
Công nhân Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ |
Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa; Đưa lao động trở lại phục vụ phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh; Tránh tình trạng cát cứ, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.
Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; Hỗ trợ tối đa các nhà máy, doanh nghiệp khôi phục sản xuất; Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng tốc sản xuất đáp ứng nhu cầu tăng cao lúc cao điểm; Bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số đang là xu hướng mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 được dự báo còn có thể diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Theo người đứng đầu Bộ Công thương, cần đề cao vai trò của doanh nghiệp, xác định rõ doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm trong các hoạt động kinh tế đối ngoại thông qua việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi tình huống; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa; Đặc biệt là định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động. Từ đó, người lao động có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, việc chú trọng công tác triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế thách thức đặt ra từ những hiệp định này.