Cam Canh, bưởi Diễn đón xuân Đinh Dậu
Cung không đủ cầu...
Nhiều người dân Hà thành cho biết, cặp đôi hoàn hảo, cam Canh, bưởi Diễn, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán là thiếu hàng, do cung không đủ cầu. Vì vậy, không riêng bà con vùng Canh, Diễn - thuộc phường Phúc Diễn, Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) và phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm) cố gắng lưu giữ, kế thừa truyền thống của cha ông họ, mà nhiều địa phương khác trên cả nước cũng tham gia trồng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, diện tích cam Canh Xuân Phương gần như không còn; hơn nữa, cam Canh trồng theo lối cổ truyền, cầu kỳ, vất vả, nên đang có nguy cơ bị mất gốc.
Ông Cường thăm những cây cam đã được khách đặt hàng trước.
Được biết, vùng Canh xưa, nay chỉ còn duy nhất 1hộ trồng cam là ông Nguyễn Duy Cường, tổ 5, Xuân Phương (Nam Từ Liêm). Trước cách mạng Tháng 8, đây là thôn Ngọc Mạch, thuộc tổng Canh (tên nôm của vùng), ngoài cam Canh nơi đây còn có chợ Canh, họp 6 phiên/tháng, người dân các nơi đổ về giao lưu hàng hóa, nhất là dịp Tết cổ truyền, tấp nập cả 1 vùng rộng lớn. Cam Canh Xuân Phương có vị ngọt mát, để lại hương vị khó quên sau khi ăn; không ngọt sắc. hoặc nhạt, xốp... như ở các địa phương khác. Khi chín màu sắc không rực rỡ, chín từ từ, cả tháng mới hết 1 cây, nhờ chất đất phù sa sông Hồng bồi đắp hàng ngàn năm nay (dày 1,5m); vì vậy, cam Canh trồng ở đâu cũng không bằng Xuân Phương. Hiện, ông Cường có 2 ha trồng cả 2 loại cam và bưởi; cam Canh vài nghìn gốc, bưởi Diễn trên 600cây; cam 3 năm thì cho quả; bưởi 4 năm.
Theo đó, cứ đến tháng 10 - 11âm lịch hàng năm, khách Hà thành đã đến đánh dấu cây, đặt cọc tiền mua cả 2 loại trên. Cam Canh sát Tết âm lịch mới chín, nhưng hơn 20 năm qua chỉ còn duy nhất 1 hộ trồng, nên nếu không nhanh chân thì vẫn hết. Dự kiến, đến Tết Nguyên Đán 1 cây cam to, quả đẹp có giá 7- 8 triệu đồng; trung bình: 3- 5triệu đồng; cây bé 500 - 700.000đồng; cam quả: 70 -80.000đồng/kg, áp Tết 100 - 120.000đồng/kg; bưởi 60.000đồng/qủa (giá bán tại vườn). Doanh thu từ cam năm 2015 của gia đình ông ước đạt 800 triệu đồng; bưởi 700 - 800triệu đồng. Trước năm 2014, cam Canh, bưởi Diễn đều thuộc huyện Từ Liêm, nhưng nay đã tách thành 2 quận như đã nêu trên.
Cũng theo ông Cường thì, thời kỳ thăng hoa của cam Xuân Phương là thập niên 80 của thế kỷ trước; khi còn bao cấp, xã có vườn cam rộng 2 mẫu do các cụ cao tuổi trong làng quản lý. Cứ đến Tết Nguyên Đán là cam loại 1,2 được Nhà nước thu mua; còn lại loại 3, 4 người dân sử dụng. Cam Canh thuộc loại quý, nhưng không phải ai cũng trồng được do đây là cây khó tính, đòi hỏi kỹ thuật, công chăm bón cao, tỉ mỉ. 1 mẫu cam nếu làm tốt chỉ đạt 500 - 700cây (1sào 50 - 70cây). Vì vậy, công việc này được giao cho các cụ phụ lão để có thời gian chăm sóc; khi tưới phải dùng thùng ô doa để cây thấm nước đều; thức ăn của cam là phân bắc ủ hoai. Ngày nay không còn phân bắc, ông Cường bón bằng đỗ tương và tro rơm rạ; đỗ tương xay thành bột, ngâm 6 tháng đến 1 năm mới bón. Cam Canh có đặc điểm hay “ăn vặt” nên phải bón nhiều lần/tháng. Ngoài ra, còn phải bổ sung thuốc BVTV, nhưng là dòng sinh học (không dùng phân hóa học, không phun thuốc giệt cỏ), phải dùng liềm thủ công, máy cắt cỏ để bảo vệ cam. Hiện, gia đình ông phải thuê 10 - 15 nhân công làm việc theo thời vụ, trả công 300.000đồng/người/ngày; hàng ngày phải thuê 4-8 thợ kỹ thuật, với mức lương: 300.000đồng/người/ngày; ngoài ra, còn có 4 lao động làm việc thường xuyên: 180.000đồng/người/ngày. Do đây là cây đặc sản của vùng tổng Canh xưa, vì vậy, sau khi xóa bao cấp bà con miền Bắc đến mua giống về trồng ngày càng nhiều. Địa phương phát triển nhiều và lâu nhất là huyện Văn Giang (Hưng Yên), 30 năm trước, người dân nơi đây đã đến vùng Canh, Diễn mua giống và tham khảo cách trồng để phát triển tại quê nhà.
Các nhân công đang chăm sóc bưởi Diễn phục vụ Tết Nguyên Đán tại vườn ông Cường.
Nguy cơ bị mất gốc...
Cũng như bà con Xuân Phương, ông Nguyễn Văn Lượng, phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm), cho biết, ông có 1.000m2 trồng bưởi Diễn trên 20 năm nay. Bưởi ưa đất cao, cứ sang xuân thì bới gốc cho “hả” đất, phơi 3 - 4 ngày; sau đấy bón phân hữu cơ vào gốc, đắp đất cũ lên. 15 - 20ngày sau theo dõi xem mầm cây có bị bệnh không (chủ yếu bị muội và sâu vẽ bùa), sau đó phun thuốc BVTV(1năm chỉ phun 1 lần). Khoảng 30 ngày nữa, lại đi thăm cây, xem quả có đều không, áng chừng vẹo vọ, không tốt thì vặt đi; những quả đã “đậu” sức khỏe như thế nào để có cách xử lý kịp thời. Tiếp đến, xem xét các chùm quả, nếu chùm nào có lá rợp quá thì tỉa bớt, để quả quang hợp tốt. Đây cũng là thời điểm đường kính của bưởi đã 2-3cm; bắt đầu phun thuốc phòng bệnh rám quả, sương muối; rắc vôi bột quanh gốc để trừ sâu. Tháng 8, 9 là cuối mùa mưa, phải bổ sung kali; lúc bưởi bắt đầu chín bói, không tưới nước cho đến khi thu hoạch. Thường xuyên theo dõi xem quả có bị ruồi vàng đục không, nếu có thì dùng bả sinh học để xử lý. Chăm sóc bưởi vất vả nhất là vào mùa mưa (tháng 5 -6), thời gian này, tuyệt đối không để cây ngập nước, nếu hở rễ phải đắp đất ngay.
Hiện, ông Lượng có 80 cây bưởi Diễn, bình quân 30quả/cây, giá bán tại vườn 60.000đồng/quả, khách đặt hàng trước Tết âm lịch 1 -2 tháng. Theo đó, bà con trồng bưởi không những bán quả mà sang xuân mới họ còn chiết cành bán bưởi giống. Năm 2016, ông Lượng đã bán trên 400 cành, giá 50.000đồng/cành. Nhìn chung, cũng như cam Canh, người trồng bưởi Diễn không phải lo đầu ra, chủ yếu khách đến lấy tại nhà, và “cháy” hàng là chuyện bình thường, bởi cung hiếm khi vượt cầu.
Ngoài ra, ông Lượng còn cho biết, khi còn là huyện Từ Liêm, vùng trồng bưởi thuộc thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn, sau khi thành lập quận mới, xã Phú Diễn chia thành 2 phường: Phú Diễn và Phúc Diễn, nhưng cả 2 đều thuộc quận Bắc Từ Liêm. Khi chưa chia tách, khu vực trồng bưởi nằm trọn trong xã Phú Diễn, toàn bộ diện tích 54ha; nay tại phường Phú Diễn chỉ còn 17ha; 37ha còn lại thuộc phường Phúc Diễn. Những đổi thay của lịch sử và quá trình đô thị hóa, không làm ảnh hưởng sâu sắc đến bà con nơi đây. Chỉ có một chút thay đổi nhỏ, đó là, trước kia bưởi trồng trong vườn, nay vườn cho thuê nhà trọ, bà con phải chuyển bưởi ra đồng, nhưng năng suất, chất lượng bưởi Diễn vẫn giữ nguyên, không hề bị ảnh hưởng.
Được biết, cũng như cam Canh, bưởi Diễn trồng ở vùng đất khác, không thể có hương vị đậm đà, ngọt mát và mùi thơm đặc biệt khi bổ bưởi, tách múi như ở vùng Diễn. Hiện, có trên 200hộ trồng bưởi ở cả 2 phường, hộ nhiều nhất 7sào; ít nhất 1sào; bình quân lãi ròng 120triệu đồng/sào/năm là chuyện thường; người dân chỉ trồng và chăm sóc, không phải lo đầu ra. Hiện, nếu muốn tăng diện tích thì vẫn có thể mở rộng được khoảng 10ha nữa, từ đất trồng rau, ao hồ, vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên, phải đầu tư khá tốn kém, vì bưởi thích đất khô ráo còn đây chủ yếu là đồng trũng.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phương, ông Hoàng Văn Sơn, cho biết: “Do nằm trọn trong vùng quy hoạch của Thủ đô Hà Nội, trên 49ha, đã có quyết định thu hồi từ năm 2008, song mới giải phóng mặt bằng được 1/2diện tích; vì vậy, cam Canh gần như mất gốc, không ổn định như vùng trồng bưởi Diễn. Ông Cường trước đây trồng cam Canh, bưởi Diễn trong vùng đất của gia đình ở khu Cầu Giát, sau khi bị thu hồi đã chuyển sang thuê ở khu Đồng Hóa (chưa giải phóng mặt bằng) và cứ canh tác gần 5 năm nay một cách tạm bợ như vậy. Không riêng ông Cường, bà con Xuân Phương cũng mong muốn được giữ lại vùng đất mà thiên nhiên đã ưu ái cha ông họ từ bao đời nay, để không bị thất truyền giống cam quý ngon ngọt này...