Cấm kinh doanh trực tuyến thiết bị kích sóng di động
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) thuộc Bộ Công Thương đã gửi thông báo yêu cầu gỡ bỏ các thiết bị kích sóng di động trên các trang web bán hàng và ứng dụng thương mại điện tử.
Theo nội dung thông báo, tất cả các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), trang web bán hàng TMĐT, ứng dụng TMĐT… đều phải gỡ bỏ các thiết bị kích sóng di động (VECITA có đăng tải danh sách các thiết bị kèm theo) được bày bán trên các trang web bán hàng và ứng dụng di động của thương nhân, cá nhân.
Lý do các thương nhân, cá nhân bán hàng trực tuyến phải gỡ bỏ sản phẩm này là do VECITA nhận được phản ánh của Cục Tần số-Vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc một số trang web TMĐT tiến hành rao bán các thiết bị kích sóng điện thoại di động không được cấp giấy chứng nhận và công bố hợp quy bởi cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là các sản phẩm không được phép kinh doanh do chưa được giấy chứng nhận hợp quy từ Cục Tần số.
Hiện tại, trên các sàn TMĐT, trang web bán hàng trực tuyến, ứng dụng di động… xuất hiện khá nhiều thông tin rao bán các thiết bị kích sóng di động. Theo thông tin đăng bán trên mạng, các thiết bị kích sóng tần số 900MHz có khả năng khuếch đại tín hiệu cho tất cả các mạng di động GSM băng tần 900MHZ; thiết bị nhỏ gọn, lắp đặt đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện.
Người bán còn cho biết, các thiết bị kích sóng này phù hợp cho tòa nhà, khách sạn, quán bar, tầng hầm, văn phòng lẫn gia đình với phạm vi phủ sóng với điều kiện không có vật cản là 100-1.200m2.
Trước đó, vào đầu tháng 9/2017, Cục Tần số-Vô tuyến điện đã gửi văn bản cảnh báo về việc một số doanh nghiệp rao bán trên mạng các thiết bị kích sóng điện thoại di động gây nhiễu đối với hệ thống mạng di động.
Cục Tần số-Vô tuyến điện nêu rõ trong thông báo rằng chỉ có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động, có giấy phép sử dụng băng tần được sử dụng thiết bị phát lặp (còn gọi là thiết bị kích sóng di động, repeater) trong hệ thống thông tin di động, được lắp đặt tại các khu vực bị hạn chế vùng phủ sóng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin di động và không gây can nhiễu cho các mạng thông tin di động.
Cũng theo Cục Tần số-Vô tuyến điện, các cá nhân, tổ chức khác sử dụng thiết bị phát lặp là vi phạm các quy định của Pháp luật về tần số vô tuyến điện; có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, theo quy định tại khoản 3, khoản 7, Điều 90 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP (ngày 13/11/2013) của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.