Cấm mặc hở hang, phản cảm khi tham quan di tích Cố đô Huế
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa ra thông báo về việc quy định trang phục của du khách tham quan các điểm di tích nhằm tạo môi trường du lịch văn minh, lịch sự, phù hợp với ứng xử văn hóa dân tộc nói chung.
Cụ thể, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế yêu cầu du khách vào tham quan các điểm di tích phải mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp với tính chất di tích. Đặc biệt tại các khu vực nội điện, nơi thờ cúng, tuyệt đối không được ăn mặc phản cảm, hở hang (như quần cộc, áo may ô, váy ngắn...).
Được biết, hiện nay, Trung tâm đã đặt hệ thống biển báo dành cho du khách tại tất cả các điểm di tích, trong đó có biển cấm ăn mặc hở hang, phản cảm khi tham quan tại các điểm di tích.
Bên cạnh nâng cao chất lượng phục vụ khách, trung tâm tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ mới để giới thiệu khách tham quan với các hoạt động văn hóa cung đình về đêm gồm: Ngọ Môn - điện Thái Hòa - Thế Miếu - cung Diên Thọ - cung Trường Sanh - lầu Tứ Phương Vô Sự; đồng thời kết hợp với trục phía đông Duyệt Thị Đường - khu Phủ Nội Vụ.
Kinh thành Huế đón chào du khách bằng những chương trình, hoạt cảnh về đời sống chốn hoàng cung xưa như lễ đổi gác, tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc, cấm vệ quân luyện võ, múa lửa, các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, chu du trong thế giới huyền bí của “Bát tiên hiến thọ”... Tất cả được thể hiện bởi hàng trăm các nghệ sỹ tài năng của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế.
Cung An Định là địa điểm để có thêm các dịch vụ cung đình cao cấp; khu vực Hiển Lâm Các (Đại Nội) có một trung tâm diễn giải về thờ cúng cung đình nhằm cho du khách hiểu rõ nghi thức thờ cúng cung đình xưa tại Huế.
Việc mở cửa về đêm sẽ tạo điều kiện để du khách có thêm thời gian khám phá cố đô Huế, nhất là trong không gian huyền ảo lung linh của Hoàng cung.
Ngoài ra, Trung tâm đang nghiên cứu tổ chức thêm một số hoạt động trưng bày, giới thiệu, diễn giải về các giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng... của xứ Huế, chủ yếu là các giá trị tiêu biểu của văn hóa cung đình, với những hoạt động chính như: lễ đổi gác, trình diễn Đại nhạc, Tiểu nhạc; các hoạt động diễn giải tín ngưỡng thờ cúng cung đình tại Hiển Lâm Các, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại cung Trường Sanh, Nhã Nhạc ở Duyệt Thị Đường, thao diễn các nghề truyền thống ở Phủ Nội Vụ...để thu hút khách du lịch.