Cần có chính sách, cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hoá
15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội: Vươn mình bứt phá Tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội chung tay xây dựng nông thôn mới Bài 2: Hà Nội, muôn vàn lý do để yêu |
Vai trò định hình và phát triển văn hoá của Hà Nội
Trong lịch sử và hiện tại, Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, định hình và phát triển văn hóa đối với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực và trên cả nước.
Hà Nội là một trung tâm văn hóa lâu đời, với những giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử độc đáo.
Với vị trí là Thủ đô, Hà Nội đã duy trì và phát triển các nét đặc trưng văn hóa truyền thống như văn học, nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa dân gian. Sự phong phú và đa dạng của văn hóa Hà Nội đã truyền cảm hứng và tác động đến các tỉnh thành phố khác, thúc đẩy sự phát triển và bảo tồn văn hóa địa phương.
Du khách sử dụng vé điện tử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hoài Nam |
Hà Nội có nhiều di sản văn hóa quan trọng, bao gồm: Khu phố Cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm và nhiều ngôi đền và chùa khác. Sự tôn trọng và bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội đã trở thành động lực cho các tỉnh, thành khác trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của họ. Nhiều thành phố khác đã học tập để thúc đẩy du lịch văn hóa và tạo ra nguồn thu kinh tế từ di sản của mình.
Hà Nội không chỉ giữ được bản sắc văn hóa truyền thống mà còn phát triển thành một đô thị hiện đại với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng. Các sự kiện văn hóa, triển lãm, festival và các hoạt động nghệ thuật của những nhóm nhạc nổi tiếng ở nước ngoài tại Hà Nội (mới nhất là sự kiện BlackPink) đã tạo ra một sân chơi và không gian giao lưu văn hóa cho các tỉnh, thành khác.
Theo Th.S Trần Dũng Hải - Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, các thành phố khác đã nhìn đến Hà Nội như một hình mẫu để xây dựng và phát triển các sự kiện và hoạt động văn hóa trong khu vực của họ.
Hà Nội là một trung tâm học thuật quan trọng, với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và trung tâm giáo dục. Nhờ vào sự phát triển của giáo dục và nghiên cứu, Hà Nội đã trở thành một địa điểm thu hút sinh viên và nhà nghiên cứu từ khắp nơi. Các tỉnh thành khác thường liên hệ và hợp tác với thành phố trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa.
Như vậy, Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển văn hóa đối với các tỉnh thành phố khác, thông qua việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, tạo nguồn cảm hứng cho các hoạt động văn hóa và giáo dục và giới thiệu văn hóa truyền thống và đô thị hiện đại của mình.
Các đại biểu Đoàn khối công nhân viên chức quận Hoàng Mai nghe thuyết minh tại di tích Nhà tù Hỏa Lò |
Th.S Trần Dũng Hải - Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho rằng, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế tri thức đang có những bước chuyển mạnh mẽ sang nền kinh tế sáng tạo.
Nền tảng phát triển nền kinh tế sáng tạo tập trung vào việc thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.
Điều này sẽ tạo ra nền kinh tế linh hoạt, đa dạng và bền vững trong thời đại công nghệ và toàn cầu hóa. Để có được sự phát triển nền kinh tế sáng tạo, không thể không có vai trò đóng góp tích cực của các ngành công nghiệp văn hóa với tư cách là những ngành công nghiệp dựa trên văn hóa, dựa trên sự sáng tạo của con người.
Để tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm dẫn dắt, định hình và phát triển văn hóa đối với các tinh thành phố khác trong khu vực và trên cả nước trong thời đại mới, thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, của nền kinh tế sáng tạo, Hà Nội cần có những chính sách đặc thù để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển và phải được cụ thể hóa bằng những quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
Ưu đãi thúc đẩy ngành công nghiệp văn hoá Thủ đô
Th.S Trần Dũng Hải - Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho rằng, các ngành công nghiệp văn hóa nói chung, du lịch văn hóa nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương ra thế giới và thu hút du khách quốc tế đến với các quốc gia, địa phương thông qua du lịch.
Hình ảnh 4 cô gái BlackPink "khuấy động" Hà Nội |
Trong một ví dụ điển hình, cơn sốt ban nhạc BlackPink của K-Pop đang lan rộng ra khắp thế giới và đã nóng “hừng hực” ở Việt Nam với tour lưu diễn Born Pink - World tour Hanoi vừa qua.
Ngoài âm nhạc, bốn cô gái của nhóm còn là những người có sức ảnh hưởng trong làng thời trang. Có thể nói sự sáng tạo văn hóa thông qua trường hợp BlackPink nói riêng, của nền công nghiệp âm nhạc K-Pop nói chung không chỉ giúp Hàn Quốc thu về khoản lợi nhuận hữu hình khổng lồ mà còn góp phần lan tỏa các giá trị vô hình, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật này.
Khách du lịch quốc tế tại Lễ hội du lịch Hà Nội |
Năm vừa qua qua đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của du lịch Hà Nội khi liên tục được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm những thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Có thể thấy, đa số các giải thưởng, sự ghi nhận của giới truyền thông thế giới về sức hấp dẫn du lịch của Thủ đô Hà Nội có được là nhờ các giá trị văn hóa, sáng tạo trong những tour du lịch văn hóa, một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng nhất, phát huy tổng hợp giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa khác nhau.
Dẫn giải một số chính sách và ưu đãi đầu tư để một số nước có ngành công nghiệp văn hoá phát triển, Th.S Hải cho biết, Hàn Quốc có những khu công nghiệp văn hoá tạo môi trường thuận lợi; Chính sách thuế ưu đãi; Hỗ trợ tài chính và vốn đầu tư; Hỗ trợ đào tạo và giáo dục; Hỗ trợ xuất khẩu.
Đối với Trung Quốc, họ áp dụng một số ưu đãi cụ thể để khuyến khích đầu tư vào hạ tầng các ngành công nghiệp văn hóa như: Chính sách tài chính, đất đai, thuế, hợp tác công/tư, quy định đầu tư nước ngoài.
Đối với Hà Nội, Luật Thủ đô năm 2012 ngoài các quy định chung cũng đã có riêng Điều 11. Bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy vậy, các quy định đa số mới chỉ dừng ở mức đưa ra các định hướng chính sách và thiếu vắng những quy định cụ thể khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tính đặc thù và vai trò quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Cột cờ Hà Nội, đây cũng là biểu tượng của Thủ đô |
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được đăng tải lấy ý kiến, có thể thấy ngoài các quy định mang tính định hướng về phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, dự thảo đã có các quy định đặc thù để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội như: Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa; Ưu đãi về thuê đất, mặt nước, miễn thuế theo quy định… cho dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa…
Cùng với đó, dự thảo cũng có quy định cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách để đầu tư cho nghiên cứu, bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa Thủ đô; Chế độ hỗ trợ, tôn vinh đối với các nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; Việc truyền dạy cho đội ngũ kế cận; Hoạt động quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Không gian trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó là biện pháp khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô…
Th.S Trần Dũng Hải - Trường Đại học Văn hoá Hà Nội |
Theo Th.s Trần Dũng Hải, bên cạnh các tiến bộ đặc biệt của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), từ những phân tích trên cũng như so sánh tương quan với các chính sách đặc thù của các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển trong khu vực, có thể thấy dự thảo luật đang có sự phân biệt trong ưu đãi đối với các ngành công nghiệp văn hóa khác nhau, đặc biệt là với các dự án đầu tư mới cho các ngành công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, việc giải thích thuật ngữ “Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa” cũng đang cho thấy sự thiên lệch về hoạt động thương mại, dịch vụ dù Quy định về tiêu chí, điều kiện và quy chế hoạt động chung của các Khu thúc đẩy thương mại và dịch vụ lại nằm trong Điều 23. Bảo vệ và phát triển văn hóa của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Xét đến mối quan hệ qua lại trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội nói riêng, ở Việt Nam nói chung cũng như bài học kinh nghiệm từ các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển trong khu vực, Th.S Trần Dũng Hải kiến nghị, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần có cơ chế đặc thù cho phát triển công nghiệp văn hoá.
Ví như việc, sửa thuật ngữ “Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa” thành “Khu thúc đẩy văn hóa và thương mại”, lấy hoạt động văn hóa, bảo tồn các ngành nghề truyền thống làm nền tảng then chốt, hoạt động thương mại, dịch vụ là hoạt động bổ sung, sửa đổi này sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu của khách du lịch, khách tham quan, phục vụ phát triển hoạt động du lịch văn hóa, tránh tình trạng biến tướng, thương mại hóa các khu có tính chất đặc thù này trong thực tiễn triển khai sau này.
Th.S Hải cũng cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung các ngành công nghiệp văn hóa khác vào khoản 3 Điều 23 dự thảo như dự án đầu tư mới vào phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công, mỹ nghệ... nhằm mục đích tạo ra hệ thống các ngành công nghiệp văn hóa hỗ trợ nhau trong phát triển, tạo thành tổng thể hài hòa nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.