Cần nắm vững kỹ năng thoát nạn an toàn khi xảy ra hoả hoạn
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Chu Dũng |
Hồi 0h46’ ngày 24/5/2024, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP nhận được tin báo cháy nhà dân; tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Ngay khi nhận được tin báo, Công an thành phố đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố và Công an quận Cầu Giấy, lực lượng Cảnh sát 113 Công an quận Cầu Giấy, Công an phường Trung Hòa khẩn trương đến hiện trường phối hợp các lực lượng khác của chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy.
Đến 0h52’ cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn; thời điểm này đám cháy đã phát triển mạnh thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân, khói và khí độc bao trùm toàn bộ khu vực cháy.
Các lực lượng đã tổ chức phá khóa cổng chính, phá ô cửa sổ tiếp cận vào bên trong ngôi nhà và kịp thời cứu được 7 người mắc kẹt, trong đó có 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện. Đến 01h26’, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm, ban đầu các lực lượng xác định 14 người tử vong.
Ngay sau nhận được thông tin vụ cháy, các đồng chí: Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng điều hành Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; cùng lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, lãnh đạo Công an thành phố và Bí thư, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã trực tiếp có mặt tại hiện trường và hội ý nhanh tại UBND phường Trung Hòa để chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp UBND quận Cầu Giấy tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân, khắc phục hậu quả sau vụ cháy, mức 50 triệu đồng đối với người tử vong, 30 triệu đồng đối với người bị thương, thực hiện ngay trong sáng ngày 24/5/2024.
Vụ hỏa hoạn tại khu nhà trọ nằm sâu trong ngõ 119 Trung Kính tiếp tục là bài học đau xót cho người dân trong cuộc chiến với “giặc lửa”... |
Đây không phải là vụ hỏa hoạn đầu tiên xảy ra tại khu nhà ở dân sinh gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Cách đây không lâu, người dân Thủ đô cũng vô cùng đau xót khi xảy ra vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết, 37 người bị thương ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) hồi tháng 9/2023.
Bên cạnh đó, mỗi năm trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng xảy ra hàng chục vụ hỏa hoạn tại khu vực đông dân cư sinh sống như chung cư mini, nhà trọ, nhà ở riêng lẻ... Đáng nói, các nhà trọ cao tầng thường nằm trong ngõ sâu, nhiều căn hộ, nhiều người ở nên khi xảy ra sự cố cháy nổ, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Theo thống kê, Hà Nội hiện đang có gần 3.000 nhà trọ, chung cư mini tập trung chủ yếu ở các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm,… Sau các vụ cháy thương tâm xảy ra với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (còn gọi là chung cư mini) trong thời gian qua, gần đây, lại có thêm nhiều phản ánh về các nhà trọ cao tầng, chung cư mini tại Hà Nội. Người dân cho biết, nhiều nơi vẫn thiếu biện pháp phòng cháy chữa cháy, mật độ dân cư không đảm bảo.
Được biết, theo quy định, nhà trọ, chung cư mini bắt buộc phải ngăn cách khu vực để xe với khu vực ở, có lối thoát nạn riêng, đầu tư trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy phù hợp. Năm 2023, Hà Nội mới khắc phục các tồn tại về PCCC cho 7% số chung cư mini, nhà trọ trên địa bàn, trong khi mục tiêu đặt ra là 30%. Khi tốc độ khắc phục chưa đảm bảo, nguy cơ thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ vẫn sẽ còn hiện hữu.
Cẩn thận không bao giờ là thừa
Theo thống kê của lực lượng chức năng, hầu hết các vụ cháy gây chết người đều xảy ra vào ban đêm, khi người dân đang ngủ. Đây là thời điểm các hộ gia đình có nhiều người, sử dụng hết công suất các thiết bị điện như quạt, máy lạnh… trong khi hệ thống điện quá tải hoặc bị hở do quá cũ kỹ.
Thêm vào đó, nhiều gia đình để số lượng lớn xe máy ở tầng 1 hoặc gần khu vực bếp đun nấu. Ngoài ra, sự cố điện xảy ra, điện bị cúp, khói lửa dày đặc, người dân còn ngái ngủ, không biết chuyện gì đang xảy ra.
Một vụ cháy chung cư mini xảy ra tại Hà Nội |
Cũng theo các cơ quan chức năng, yếu tố lớn nhất dẫn đến hỏa hoạn là sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm của người dân đối với công tác phòng cháy chữa cháy. Hầu hết những ngôi nhà bị thiệt hại nghiêm trọng vì hỏa hoạn là do nhà dạng ống, chỉ có một lối thoát nạn duy nhất (hướng cửa chính); không gian nhỏ hẹp, để quá nhiều vật dụng dễ cháy khiến nạn nhân mắc kẹt và thiệt mạng trong thời gian ngắn bởi nhiễm khói, khí độc.
Vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn nhiệt, các hệ thống thiết bị điện, nơi đun nấu, thờ cúng… trước khi đi ngủ hay ra khỏi nhà. Đồng thời, người dân trang bị các thiết bị báo cháy tự động để chủ động phát hiện sự cố cháy; trang bị phương tiện để chủ động chữa cháy và thoát nạn từ đầu, ngăn chặn cháy lan, cháy lớn.
Khi phát hiện cháy, tốt nhất, người dân tìm lối thoát hiểm phía trước nhà như ban công, sau đó đóng chặt cửa ban công để ngăn khói tỏa ra; tự thoát nạn bằng cách trèo qua lan can sang nhà bên cạnh, dùng dây hoặc chăn vải kết thành sợi dây thoát xuống phía dưới và kịp thời thông báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến giải cứu.
Trường hợp nhà không có ban công và không thể thoát ra ngoài bằng dây, lập tức đóng chặt cửa phòng, lấy khăn ướt bịt kín các lỗ phía dưới và trên cửa nhằm ngăn khói lan vào phòng. Gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114 hoặc app "Help 114" và thông tin về đám cháy như: nơi xảy ra cháy, vị trí (tầng mấy, phòng mấy), có khoảng bao nhiêu người mắc kẹt.
Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì buộc phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp, không được khóa cửa phòng của họ. Mỗi gia đình chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn và dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra; không để đồ dễ cháy ở cầu thang bộ dẫn lên các tầng.
Người dân tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ. Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên.
Tuy nhiên, khi xả nước trong căn hộ cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện.
Đặc biệt, các hộ gia đình cần nêu cao tinh thần "phòng hơn chữa" chuẩn bị đầy đủ bình chữa cháy tại nhà và không nên làm lồng sắt bịt kín các lối như ban công và cửa sổ. Trong trường hợp gia đình cơi nới chuồng cọp phải làm lối thoát đề phòng trường hợp có cháy xảy ra để tránh những vụ hỏa hoạn thương tâm.