Cận Tết cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo giả nhân viên ngân hàng
Mời gửi tiết kiệm lãi suất cao
Mới đây một Chỉ huy Công an phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, Công an phường vừa tiếp nhận đơn trình báo của một công dân trên địa bàn về một thủ đoạn lừa đảo mới. Theo trình báo, các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng đăng lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại để chào mời người gửi tiết kiệm.
Để lấy lòng tin thể hiện mình là nhân viên tư vấn khách hàng của ngân hàng, đối tượng lừa đảo gửi cho người dân một mã code và thông báo chỉ khi nhập mã code đó người gửi mới được lãi suất cao. Khi người dân nhập mã code sẽ ra tên đầy đủ nhân viên ngân hàng, khiến người dân tưởng lầm đó là nhân viên tư vấn của ngân hàng thật.
Sau khi mở tài khoản thành công, các đối tượng sẽ yêu cầu người gửi nâng cấp lên tài khoản VIP để được cộng lãi suất cao. Bắt đầu từ đây, nạn nhân sẽ bị các đối tượng dẫn dắt vào "ma trận" lừa đảo mà các đối tượng đã bày ra trước đó. Chúng gửi link giống giao diện của app ngân hàng bạn vừa cài đặt, nhưng đó là link giả tạo ra để lừa đảo.
Tình trạng lừa đảo nhắm đến người sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày càng gia tăng (ảnh minh hoạ) |
Ngoài thủ đoạn trên, cơ quan công an cũng đã ghi nhận cùng thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng gửi tin nhắn, gọi điện thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường, đang bị trừ phí hoặc đăng ký một số dịch vụ mà khách hàng không hề hay biết... dọa khóa tài khoản.
Đầu tháng 11 vừa qua, Công an quận Nam Từ Liêm cũng đã đấu tranh, làm rõ một đường dây lừa đảo công nghệ cao với thủ đoạn hết sức tinh vi. Theo trình báo, chị V.M.L (ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) bị đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên của một ngân hàng thương mại tư vấn, hướng dẫn nâng hạn mức thẻ tín dụng và được nhận voucher giảm giá khi mua hàng.
Sau khi thao tác theo hướng dẫn của kẻ tự xưng là nhân viên ngân hàng, đối tượng yêu cầu chị cung cấp hình ảnh căn cước công dân (nhằm xác định chính xác chị L là chủ thẻ) và 4 số cuối của thẻ để nâng hạn mức tín dụng. Khi có mã OTP gửi về điện thoại của mình, chị L đã cung cấp mã này cho đối tượng và ngay lập tức tài khoản của chị đã bị trừ hơn 95 triệu đồng.
Vào cuộc điều tra, bước đầu cơ quan công an xác định, các đối tượng gọi điện cho nạn nhân thông qua ứng dụng trên điện thoại di động như Telegram, Zalo, Messenger… để che giấu thân phận. Chúng cũng sử dụng những tài khoản ngân hàng không chính chủ để thực hiện giao dịch chuyển tiền trên các ứng dụng của hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Quá trình điều tra, xác minh từ những thông tin, đầu mối, kết hợp với sự hỗ trợ của các nhà mạng và hệ thống ngân hàng, Công an quận Nam Từ Liêm xác định các đối tượng trên đều ở tỉnh ngoài. Đáng chú ý, chúng thường xuyên có giao dịch chuyển tiền để mua bán điện thoại di động tại các tỉnh thành khác.
Chúng sử dụng thẻ tín dụng để mua điện thoại di động và chuyển thành tiền bằng cách bán lại. Số lượng tiền thu được từ các đơn hàng này chúng chuyển ra nước ngoài. Từ những mắt xích tiêu thụ, sử dụng điện thoại tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trinh sát đã xác minh, thu giữ, truy nguyên nguồn gốc số tài sản liên quan và xác định các đối tượng liên kết thành đường dây từ Đồng Nai về TP Hồ Chí Minh.
Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ 2 đối tượng Phan Đình Hùng và Cao Văn Tuấn |
Công an quận Nam Từ Liêm đã bắt giữ 2 đối tượng trong đường dây mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Phan Đình Hùng (SN 2002, trú tại xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và Cao Văn Tuấn (SN 1993, trú tại xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Đồng thời thu giữ nhiều vật chứng liên quan.
Tiếp tục đấu tranh với các đối tượng, Công an quận Nam Từ Liêm đã làm rõ, trong các ngày 9 và 14/10/2023, các đối tượng đã lừa đảo 3 vụ chiếm đoạt số tiền gần 170 triệu đồng. Trước đó các đối tượng còn chiếm đoạt của rất nhiều cá nhân trên địa bàn cả nước và ước tính số tiền được chuyển ra nước ngoài lên đến nhiều tỷ đồng.
Người dân cần đề cao cảnh giác
Để không bị “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo, Cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không ấn vào bất cứ đường link nào của bất kỳ ai gửi cho mình. Tốt nhất nếu có nhu cầu sử dụng app ngân hàng, thì tự tải app trên ứng dụng và tạo tài khoản rồi tự vào lại app của mình. Nếu người gọi điện thoại tự nhận là nhân viên tư vấn của của ngân hàng có lãi suất cao, người dân ra trực tiếp quầy giao dịch để xác minh thêm, không nên làm theo hướng dẫn online.
Theo trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội, các đối tượng lừa đảo đã chuẩn bị trước, lấy được mã code của nhân viên ngân hàng, nên khi khách hàng nhập mã code sẽ có đầy đủ thông tin của nhân viên ngân hàng thật.
Người dân không nên công khai các thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... lên mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo; chọn lọc những thông tin cụ thể khi chia sẻ công khai lên mạng xã hội.
Người dân thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và bảo mật tuyệt đối về thông tin của các tài khoản trên gồm: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng... Tuyệt đối không cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được nguồn gốc.
Không truy cập các đường link trong tin nhắn, email lạ không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng.
Điều tra viên thẩm vấn, lấy lời khai của đối tượng Phan Đình Hùng |
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, mới đây nhiều ngân hàng thương mại cũng phát phát đi cảnh báo trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không được sử dụng giấy tờ giả mạo, nhân danh người khác bất hợp pháp để mở, sử dụng tài khoản thanh toán.
Không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch không được pháp luật cho phép như giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận, cờ bạc, cá cược, mua bán hàng hóa phi pháp, chất cấm hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đồng thời, khách hàng không được cho người khác thuê, mượn hoặc bán tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng của mình cho người khác; tuyệt đối không cho mượn, cho thuê thông tin, giấy tờ định danh để người khác mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng dưới danh nghĩa mình. Bên cạnh đó, không nhờ người khác thay mình, đứng tên mình mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng.
Khách hàng tuyệt đối giữ bí mật thông tin user đăng nhập, mật khẩu truy cập các kênh giao dịch điện tử, mã PIN/mật khẩu/số CVV trên thẻ...; không cài đặt hoặc hạn chế cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc trên thiết bị có sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.
Đặc biệt, người dân không sử dụng user, mật khẩu, OTP của các ứng dụng ngân hàng điện tử để truy cập vào đường link lạ được hướng dẫn bởi cá nhân/tổ chức không rõ nguồn gốc bởi có thể bị chiếm quyền sử dụng hoặc đánh cắp thông tin dẫn đến bị lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt tiền trên tài khoản thanh toán.
Theo đại diện các ngân hàng, kẻ gian thường mạo danh nhân viên ngân hàng để tiếp cận mời chào khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng online, nâng hạn mức thẻ, mời rút tiền từ thẻ… nhưng thực chất là lừa đảo.
Cụ thể, kẻ gian giả mạo là nhân viên ngân hàng gọi điện/nhắn tin mời chào mở thẻ tín dụng online và sử dụng các dịch vụ thẻ, mời chào kết bạn qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để trao đổi trực tiếp, gửi và hối thúc khách hàng click vào đường link giả mạo hoặc QR Code dẫn tới website giả mạo.
Sau khi khách hàng bấm (click) vào đường link giả mạo sẽ tiếp tục gặp yêu cầu nhập thông tin cá nhân như: Họ và tên, CMT/CCCD, chụp ảnh CMT/CCCD 2 mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ và OTP gửi về số điện thoại, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng… Ngay sau khi nhập/cung cấp mã OTP, kẻ gian sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Ngoài ra các đối tượng lừa đảo còn giả mạo nhân viên của các ngân hàng, công ty tài chính… mời vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động để nhận tiền giải ngân kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng giả mạo con dấu và giả mạo chữ ký của người có thẩm quyền của ngân hàng, công ty tài chính. Sau đó các đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển khoản các khoản phí làm hồ sơ, phí ứng trước khoản vay, phí đặt cọc… để chiếm đoạt.