Cẩn trọng với dịch bệnh bùng phát trong mùa hè
Các địa phương cần nhanh chóng triển khai phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn
Bài liên quan
Khống chế dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm số một
Hà Nội: Các ca mắc sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng
470 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi
Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, sởi
Số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 243 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân mắc rải rác tại 139 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Hiện trên địa bàn thành phố chưa xuất hiện ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong, hiện nay chỉ còn 17 trường hợp đang điều trị.
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong năm nay có tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng giảm so với trung bình cùng kỳ 5 năm (trung bình giai đoạn 2014-2018 toàn thành phố ghi nhận 254 ca), đặc biệt là giảm mạnh so với năm 2017, năm có dịch lớn (672 ca).
Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội. Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố ở mức thấp nhưng các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn tồn tại như tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ...
"Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh này, các quận, huyện, thị xã cần chủ động, tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo.
Về bệnh sởi, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.274 trường hợp mắc nhưng chưa ghi nhận ổ dịch lớn, tập trung và chưa có ca bệnh nặng, tử vong. Bệnh nhân mắc sởi rải rác ở 387/584 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện có số người mắc sởi cao là: Hoàng Mai (123 ca), Thanh Xuân (67 ca), Nam Từ Liêm (65 ca), Hà Đông (57 ca), Đống Đa (48 ca), Thanh Trì (46 ca). Số người mắc sởi dưới 9 tháng tuổi chiếm 25% và trên 15 tuổi chiếm 30%. Đây là những đối tượng thường có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi thấp hơn độ tuổi từ 1-15 tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (95%-97%) nhưng hằng năm vẫn còn khoảng 3%-5%, tương đương 5.000-8.000 trẻ không được tiêm vắc xin sởi, đây là đối tượng dễ mắc bệnh sởi. Bên cạnh đó, hằng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động ở nơi khác đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi. Đây là nguy cơ lây lan virus sởi và gây dịch.
Ngoài dịch sởi, sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh trên địa bàn thành phố, số ca mắc các bệnh tay chân miệng, ho gà… cũng tăng nhẹ so với trước đó. Đặc biệt, từ ngày 13 - 19/5, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm não Nhật Bản trong năm 2019. Trường hợp này là một bệnh nhi 4 tuổi ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật… Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và hiện sức khỏe đã có tiến triển khả quan.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Hiện nay, các bệnh này vẫn trong tầm kiểm soát nhưng thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và gây bệnh. Thêm vào đó, mùa hè là thời gian gia tăng hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, viêm não...
Chủ động vệ sinh môi trường và tiêm vắc xin phòng bệnh
Trước nguy cơ nhiều dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh yêu cầu tiếp tục củng cố và nâng cao khả năng phản ứng nhanh của các đội chống dịch cơ động trên địa bàn thành phố.
Tại các cơ sở y tế phải bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, vắc xin, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả, đồng thời tổ chức kiểm tra vệ sinh môi trường, giám sát thường kỳ chất lượng nước sinh hoạt tại các nhà máy, trạm cấp nước… Các đơn vị tăng cường công tác giám sát côn trùng và giám sát véctơ truyền bệnh để chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.
Đối với các đơn vị y tế, cần tiếp tục tăng cường giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tuyên truyền để người dân tích cực đưa con em đi tiêm chủng phòng bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng sởi theo quy định.
Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội có chiều hướng diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh mùa hè. Các quận, huyện cần thực hiện nghiêm việc rà soát, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95%, nhất là đối với các bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu, viêm não.
Cũng theo ông Cảm, hiện Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, phương tiện, hóa chất và thuốc nhằm kịp thời ứng phó với tình huống dịch bệnh lớn hoặc các tình huống có nguy cơ về y tế cộng đồng. Theo đó, người dân nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng các dịch bệnh nguy hiểm như sởi, quai bị, rubella, viêm màng não…
Để công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè có hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, mỗi người dân cần tích cực tham gia bằng những hành động, việc làm thiết thực như thực hiện ăn chín, uống sôi; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, bảo đảm đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.