Cẩn trọng với xe đạp điện khi tham gia giao thông
Hưng Yên: Hàng chục xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Công ty Quang Huy Xe tải va chạm xe đạp điện khiến một phụ nữ tử vong |
Thời trang, tiện dụng nhưng nguy hiểm
Có thời, sở hữu một chiếc xe đạp điện là niềm tự hào của các bạn trẻ. Thậm chí, ở độ tuổi ương bướng, các em còn so kè, ganh đua nhau bằng những chiếc xe điện thời trang, đẹp đẽ, sáng bóng. Nói không quá lời, xe đạp điện đã tạo nên "cơn sốt" trong giới trẻ, thậm chí lan sang cả những người lớn tuổi. Không cần bằng lái hay phải mua xăng, xe đạp điện vẫn có thể phóng với tốc độ ngang xe máy…
Người trẻ nên cẩn trọng khi sử dụng xe đạp điện |
Theo các nhà sản xuất, tốc độ tối đa của xe đạp điện có thể đạt tới 40km/h, thậm chí, có xe đạt tới 50km/h, tương đương với tốc độ xe máy. Trong khi trọng lượng của xe đạp điện thường nhỏ nhẹ nên khi xảy ra tai nạn, độ văng của xe rất mạnh, khiến người điều khiển bị chấn thương nặng hơn. Bên cạnh đó, tốc độ cao nhưng phanh giảm tốc của xe đạp điện lại khá yếu. Bạn Lã Phương Anh, học sinh lớp 9 trường THPT Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, xe đạp điện của em vừa mua được 3 tháng mà đã phải đi chỉnh lại phanh vì không ăn. "Sử dụng xe phanh không ăn, em rất sợ", nữ sinh lớp 11 chia sẻ.
Tuy nhiên, tốc độ khủng khiếp và hệ thống phanh thắng thiếu an toàn biến xe đạp điện trở thành "hung thần" trên đường phố. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16-18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, xe đạp điện. Cụ thể, UB ATGT quốc gia cho hay, có 70% số vụ tai nạn giao thông thương vong là do học sinh trung học cơ sở đi đạp điện, xe máy điện gây ra.
Ngoài ra, hiện nay có trên 50% học sinh trung học phổ thông đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe máy nhưng các em lại không có giấy phép lái xe. Điều này cũng đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn.
Đại diện Cục quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ) cho hay, nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện đi quá nhanh, chủ quan coi loại phương tiện này không khác gì xe đạp thông thường, dẫn đến không thể xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra. Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không có tiếng động nên khi vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh, nhất vào buổi đêm… nên dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, ngõ, ngách, nơi khuất tầm nhìn.
Bên cạnh đó, hầu hết các loại xe đạp điện không gắn gương chiếu hậu, còi, đèn xi-nhan thì yếu nên khi chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông thiếu cảnh giác. Xe máy điện được trang bị các thiết bị an toàn tốt hơn xe đạp điện, có vận tốc tối đa từ 25 km/h đến dưới 50 km/h. Tuy nhiên, độ ma sát của bánh xe với mặt đường kém nên rất dễ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao.
Nâng cao ý thức của bạn trẻ khi sử dụng xe điện
Như đã trình bày ở trên, nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện phần lớn là do chủ quan, nhiều người cho rằng xe đạp điện là phương tiện giao thông đơn giản giống như xe đạp thông thường nên chưa chú ý trọng việc chấp hành ATGT, nhất là lỗi không đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, hầu hết người sử dụng xe đạp điện là các bạn học sinh, kinh nghiệm xử lý tình huống khi tham gia giao thông chưa nhiều nên dễ xảy ra tai nạn. Các hình thức xử lý hiện tại chưa đủ sức răn đe.
Không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Do vậy, để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông do xe đạp điện gây ra, lực lượng chức năng đã và đang áp dụng các biện pháp nhằm tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để làm gương, răn đe. Đồng thời, người sử dụng xe đạp điện cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Đặc biệt, chính quyền đang tập trung xử lý các nhà sản xuất, phân phối xe đạp điện để nâng cao chất lượng của loại phương tiện này. Trên thực tế, xe đạp điện nhập lậu, kém chất lượng, điện tốc cao, các thiết bị không rõ nguồn gốc... đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Mặc dù công tác quản lý, kiểm tra sát sao của Bộ GTVT song tình trạng xe đạp điện kém chất lượng, nhập lậu vẫn diễn ra phổ biến.
Theo Thông tư 63/TT-BGTVT (ngày 22/12/2011) về việc quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn của Bộ GTVT thì xe đạp điện cũng năm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn giao thông.
Thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam qua công tác kiểm tra đã phát hiện và chấn chỉnh gần 20 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện để xảy ra vi phạm, trong đó có việc sản xuất, lắp ráp loại xe chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng hoặc không đúng với kiểu loại xe đã được chứng nhận chất lượng.
Về mặt pháp luật, Nhà nước đã đưa ra những chế tài nghiêm minh để xử phạt các trường hợp vi phạm khi điều kiển xe đạp điện hoặc xe máy điện. Nghị định 100 ra đời đã nâng mức phạt các lỗi giao thông với xe máy điện, xe đạp điện. Cụ thể, điều 6 và 8 của Nghị định 100 quy định mức phạt với hành vi đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm là từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Điều 6 Nghị định 100 quy định mức phạt lỗi nồng độ cồn với xe máy điện từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lợi dụng xe điện để sử dụng rượu bia Thời gian qua, lợi dụng chế tài "nhẹ nhàng" đối với xe đạp điện, xe máy điện, nhiều người đã "lách luật" bằng cách sử dụng các loại phương tiện này khi đã uống rượu, bia. Tuy nhiên, luật gia Cấn Thị Phương Dung, Công ty Luật TNHH YouMe, cho hay, khoản 3 và 5, điều 8 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp điện thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện. |