Cần xử lý dứt điểm bất cập trong quản lý chất thải rắn
Rác thải xây dựng tập kết mọi nơi
Mấy đêm gần đây, người dân sống tại khu vực tổ 4, phường Thạch Bàn (quận Long Biên, TP Hà Nội) thường xuyên bị đánh thức bởi những chiếc xe tải chở rác thải rắn đổ trộm ra khoảng đất trống cạnh đoạn mương trên địa bàn phường.
Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sống gần khu vực này chia sẻ: “Mấy đêm nay, cứ khoảng hơn 10h đêm là thấy người ta chở xe tải đất, trạc, phế thải ra khu đất cạnh mương, đổ chất thành nhiều đống to, nhỏ ở đây. Đêm nào cũng ầm ầm, mất cả ngủ, rất bức xúc”.
Rác thải xây dựng được chất thành nhiều đống to dọc đoạn mương trên địa bàn phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) |
Tương tự, khu vực dân cư lân cận phố Nguyễn Trác (phường Yên Nghĩa, Hà Đông) đang chịu cảnh hôi thối từ rác, phế thải xây dựng "bủa vây".
Theo phản ánh của bạn đọc, con đường dưới chân cầu vượt phố Nguyễn Trác (cầu vượt Yên Nghĩa) thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông là nơi tiếp giáp giữa khu đô thị Xuân Mai với khu đô thị The Sparks Dương Nội và trường Đại học Phenikaa, là tuyến đường có nhiều học sinh, sinh viên đi lại.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu vực này là nơi tập kết của nhiều loại rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng. Rác chất thành từng đống lớn, đống nhỏ và tràn ra cả khu vực lòng đường, khiến khu vực này trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Ngay bên dưới cầu vượt Yên Nghĩa là phần đất dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội (đang khởi công xây dựng) và lối vào dự án thành nơi tập kết rác thải xây dựng. Mặc dù khu vực này được bố trí rất nhiều biển, bảng "cấm đổ rác phế thải" nhưng thực tế, cứ ở đâu có biển cấm là có rác thải chồng chất ở đó.
Cũng ngay khu vực gầm cầu vượt Yên Nghĩa - đoạn tiếp giáp với phía sau trường Đại học Phenikaa, rác thải xây dựng được chất thành nhiều đống cao.
Tình trạng này đã diễn ra nhiều tháng nay, người dân đi lại khu vực đường tránh này rất bức xúc. Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để xác minh, xử lý tình trạng này, tránh kéo dài ảnh hưởng đến người dân.
Ngay khu vực gầm cầu vượt Yên Nghĩa - đoạn tiếp giáp với phía sau trường Đại học Phenikaa, rác thải xây dựng được chất thành nhiều đống cao |
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 2 triệu - 5 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000kg. Trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000kg đến dưới 2.000kg: phạt tiền 5 triệu - 10 triệu đồng. Từ 2.000kg đến dưới 3.000kg: phạt tiền từ 10 triệu - 15 triệu đồng. Từ 100.000kg trở lên: phạt tiền từ 200 triệu - 250 triệu đồng...
Quy định là vậy, tuy nhiên mức xử phạt như trên dường như vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng đổ trộm rác thải xây dựng. Dẫn đến tình trạng hàng tấn đất, trạc, phế thải tập kết không đúng nơi quy định mỗi ngày.
Ngoài rác sinh hoạt, phế thải xây dựng, nhiều đồ dùng hỏng, cũng được các hộ dân đổ ngay dưới khu vực đường gom cầu vượt |
Ứng dụng công nghệ tiên tiến để tái sử dụng chất thải rắn
Hiện, Hà Nội đang triển khai công tác xử lý chất thải rắn theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 tại Quyết định số 609/QĐ-TTg (gọi tắt là Quy hoạch 609).
Sau 8 năm triển khai Quy hoạch 609, công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Có thể kể đến như: 100% chất thải công nghiệp, y tế được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn; xấp xỉ 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khoảng 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý.
Thành phố đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 2 khu xử lý chất thải rắn quy mô lớn (khu liên hợp Nam Sơn và khu xử lý Xuân Sơn); hoàn thành về cơ bản giai đoạn 1 của nhà máy đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày đêm tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Hiện thành phố đang triển khai xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày đêm tại Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, hiện nay công tác thu gom xử lý rác thải vẫn đang bộc lộ rất nhiều bất cập, đặc biệt là chất thải rắn, thậm chí là những cành cây khô chết tự nhiên hay do thiên tai… Theo lý giải của các chuyên gia, việc thầu thu gom xử lý rác thải trên địa bàn thành phố hiện mới chỉ dừng lại ở rác thải sinh hoạt mà chưa đề cập đến các loại chất thải rắn.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác phế thải xây dựng, rác thải cồng kềnh bị tập kết, đổ trộm tràn lan gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị chính từ sự thiếu ý thức trách nhiệm của một bộ phận chủ đầu tư và người dân. Bên cạnh đó, việc thiếu các bãi tập kết, trung chuyển chất thải rắn xây dựng và sự thiếu quyết liệt của chính quyền các địa phương trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Bà An cho rằng, việc quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và chất thải rắn xây dựng nói riêng được giao cho Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Để thực hiện vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-BXD Quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng.
Theo đó, các chủ đầu tư, nhà thầu chính có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng, phân loại, thu gom, xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng phát sinh trên công trường hoặc ký hợp đồng với chủ thu gom xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa phần các hộ gia đình nhỏ lẻ thường thuê những người điều khiển xe thồ, xe ba bánh vận chuyển rác thải rắn xây dựng. Những người này thường “tiện đâu đổ đấy", chứ không mang ra các bãi tập kết rác.
Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay công tác tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, nguồn lực hạn chế, gây lãng phí nguồn lực kinh tế. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận chất thải rắn xây dựng như là nguồn tài nguyên và cần tái sử dụng một cách hiệu quả. Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng công nghệ tiên tiến để tái sử dụng chất thải rắn xây dựng thành những vật liệu mới, phục vụ cho hoạt động xây dựng.
Theo luật sư Lê Văn Hợp - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khác với các luật trước đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Chậm nhất ngày 31/12/2024, UBND cấp tỉnh phải quyết định việc phân loại cụ thể đối với “chất thải rắn sinh hoạt khác” (loại thứ 3) trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đồng thời có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát).