Cần xử phạt nghiêm các đối tượng sử dụng mạng xã hội để "báo chốt"
Hội nhóm ''báo chốt'' tràn lan trên mạng xã hội
Trên mạng xã hội không khó tìm ra những hội nhóm ''báo chốt'' công khai với hàng nghìn thành viên tham gia, theo dõi. Địa điểm, thời gian các chốt tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng được cập nhật liên tục.
Mới đây, Công an huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hình thức phạt tiền 7,5 triệu đồng đối với một đối tượng về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”
Theo Công an huyện Mỹ Đức, đối tượng này đã đăng tải công khai lên trang Facebook cá nhân của mình dòng trạng thái kèm 2 hình ảnh chụp lại việc lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mỹ Đức đang phối hợp với Công an xã An Mỹ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Tại cơ quan Công an, đối tượng vi phạm thừa nhận hành vi vi phạm, chủ động gỡ bài đăng.
Những hội nhóm thông báo chốt được lập ra có hàng chục nghìn thành viên theo dõi |
Trước đó, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng xử lý trường hợp sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải thông tin về hoạt động làm nhiệm vụ của lực lượng Công an.
Cụ thể, qua điều tra, Công an thị xã Sơn Tây xác định và mời trường hợp là chủ tài khoản Facebook có hành vi đăng tải thông tin vi phạm liên quan đến hoạt động làm nhiệm vụ của lực lượng công an, đến trụ sở làm việc.
Tại đây, anh B.V.C, ở xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Sau khi làm việc với cơ quan Công an, anh C đã nhận thức được vi phạm của bản thân và gỡ bỏ các bài đăng của mình trên mạng xã hội.
Căn cứ quy định, Công an thị xã Sơn Tây đã hoàn thiện hồ sơ, ban hành Quyết định xử phạt hành chính, phạt tiền 7,5 triệu đồng đối với anh C về hành vi "Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.
Công an thị xã Sơn Tây khuyến cáo, việc thông báo hoạt động của Cảnh sát giao thông giúp người vi phạm né tránh các chốt của lực lượng chức năng là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ cản trở, tác động xấu đến hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông mà còn có thể để các đối tượng phạm pháp hình sự, tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí … biết nhằm né tránh lực lượng làm nhiệm vụ.
Vì vậy, khi phát hiện, cơ quan Công an sẽ kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Người dân cần nâng cao hiểu biết, tránh vi phạm pháp luật
Theo quy định, người dân được quyền giám sát đối với hoạt động của Công an Nhân dân, tuy nhiên việc giám sát phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu vi phạm, việc "báo chốt" sẽ trở thành nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tư; Theo Nghị định 15 năm 2020, cá nhân sẽ xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng, còn tổ chức, tập thể sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Lực lượng chức năng làm việc với trường hợp vi phạm "báo chốt" trên mạng xã hội |
Qua các sự việc trên, cơ quan chức năng đề nghị người dân trong địa bàn tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng mạng Internet, tránh trường hợp bị xử lý do thực hiện các hành vi vi phạm.
Người dân không tự ý sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của tổ chức, cá nhân khác; Không chia sẻ, đăng tải thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật… lên mạng xã hội.
Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, người dân cần liên hệ ngay Công an xã, thị trấn gần nhất để trình báo và được xử lý.
Hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội, nhóm “báo chốt” như: “Biết thế đéo ra đường”; “Thông chốt - Báo chốt 141 Hà Nội”; “Tránh chốt”… Nội dung của các nhóm này phần lớn là thông tin chia sẻ - được cư dân mạng gọi là “báo chốt”. Nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này, lực lượng chức năng đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để vô hiệu hóa hoàn toàn các nhóm trên.
Điều đáng nói là các thành viên trong nhóm đều nhận thức, cho rằng hành vi báo “chốt” thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội là hành vi hết sức đơn giản, vô hại. Những thông tin này đã làm cho một bộ phận người tham gia giao thông không có ý thức chấp hành luật an toàn giao thông, tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ các vụ tai nạn. Mặt khác, việc báo vị trí của lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên mạng xã hội có thể tiếp tay cho một số loại tội phạm khác thực hiện hành vi phạm tội hoặc trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng.