Những cạm bẫy của mạng xã hội đối với trẻ em
Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em Bạo hành trẻ em phải bị trừng trị nghiêm minh |
Báo động nghiện mạng xã hội
Theo kết quả thống kê của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, 95% thanh thiếu niên tại nước này đang sử dụng mạng xã hội; Trong số này có 1/3 sử dụng với tần suất liên tục.
Khi việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tăng lên, nhiều báo cáo và các chẩn đoán lâm sàng đã chỉ ra rằng thanh thiếu niên sẽ có nguy cơ tăng chứng lo âu và trầm cảm, cũng như tỷ lệ tự tử.
Trong báo cáo mới đây, ông Murthy cũng cho biết, mạng xã hội giúp trẻ em và thanh thiếu niên tìm thấy một cộng đồng để kết nối song môi trường này có thể ẩn chứa những nội dung cực đoan, không phù hợp và độc hại. Ví dụ như hành vi tự hại bản thân và tự sát.
Bên cạnh đó, mạng xã hội có thể khiến trẻ không hài lòng về cơ thể mình, dẫn đến chứng rối loạn ăn uống và trầm cảm. Các em cũng đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến đúng lúc não bộ đang trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Độ tuổi sử dụng điện thoại, mạng xã hội ngày càng trẻ hóa |
Do đó, ông Murthy khuyến cáo các bậc cha mẹ nên thiết lập những khu vực không sử dụng công nghệ tại nhà để thúc đẩy khả năng giao tiếp, cũng như giáo dục trẻ em sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh và có trách nhiệm.
Báo cáo được đưa ra vào thời điểm nhà chức trách Mỹ đang nỗ lực tìm cách quản lý việc sử dụng mạng xã hội và hạn chế những tác động xấu vấn đề này đối với giới trẻ.
Gần đây, Thống đốc bang Montana đã ký một dự luật cấm TikTok hoạt động tại địa phương này từ năm 2024. Trước đó vào tháng 3, Utah đã trở thành tiểu bang đầu tiên cấm các dịch vụ truyền thông xã hội cho phép người dùng dưới 18 tuổi đăng ký tài khoản mà không có sự đồng ý rõ ràng của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tiểu bang Utah cũng đã thông qua luật yêu cầu các công ty truyền thông xã hội cho phép cha mẹ truy cập đầy đủ vào tài khoản của con họ.
Tạo dựng một thế giới trực tuyến an toàn cho trẻ em
Theo thống kê, Việt Nam có tỷ lệ người dùng Internet khá lớn, đứng thứ 13 thế giới, với khoảng 73,2% dân số. Theo báo cáo của UNICEF, tính tới tháng 8/2022, có tới 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12 -13 có sử dụng Internet và con số này tăn lên 93% đối với trẻ từ 14 - 15 tuổi. Trong khi đó, nước ta hiện có khoảng 24,7 triệu trẻ em (tương đương 25% dân số).
Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5 - 7 giờ/ngày. Trong số này chỉ có 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 -17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Trẻ rất dễ rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, tiếp cận với những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm; Bị phát tán thông tin riêng tư hoặc bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, dọa nạt, ép tham gia các hoạt động phi pháp.
Mạng xã hội có thể có thể ẩn chứa những nội dung cực đoan, không phù hợp và độc hại đối với trẻ em |
Theo các chuyên gia, bắt trẻ tuyệt giao với mạng xã hội là điều không thể nhưng cha mẹ có thể lôi kéo con mình ra ngoài để phát triển toàn diện về mặt thể chất, văn hóa, tinh thần. Để làm được điều đó, cha mẹ phải có đủ thời gian, sân chơi cho trẻ em. Đặc biệt, các hoạt động phải đa dạng, đủ hấp dẫn có thể được tổ chức ở nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ nghề nghiệp...
Bên cạnh đó, mỗi học sinh cần được trang bị nhận thức đúng, kỹ năng ứng phó tốt với các tình huống xảy ra trên mạng; Các nhà trường sẽ bớt gánh lo về tác động tiêu cực từ không gian mạng. Đồng thời, nhà quản lý, giáo viên cũng cần đổi mới tư duy xây dựng phương pháp tiếp cận học sinh để hiểu hơn những điều các em suy nghĩ, hành vi ứng xử trên mạng mỗi ngày... từ đó có sự hỗ trợ, định hướng kịp thời.
Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng năm 2018 với các quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Tháng 6/2021, lần đầu tiên Việt Nam đã ban hành một chương trình cấp quốc gia riêng về “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.