Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng xã hội
Tiềm ẩn nhiều mối nguy hại từ internet
Trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022. Cùng với đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ nói riêng trên môi trường mạng đã và đang tác động đến các em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ. Để bảo vệ trẻ em, cần nhận thức rõ trách nhiệm của gia đình, cha mẹ đối với việc phòng ngừa tổn hại cho trẻ, trong đó có phòng ngừa xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước...
“Nhà nước có chính sách, truyền thông giáo dục, hỗ trợ gia đình nhưng nếu cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được bảo vệ, không được sống an toàn”, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.
Việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn là rất cần thiết. Ảnh minh hoạ |
Nói về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Đinh Thị Như Hoa, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tỷ lệ trẻ từ 12 đến 17 tuổi tại Việt Nam sử dụng internet là rất cao. Con số này lên đến 93% ở thành thị và 88% ở nông thôn.
Bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại, việc trẻ em sử dụng internet cũng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại. Nguy cơ trẻ nhỏ vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng, mạng xã hội là rất cao. Trên thực tế, nội dung khiêu dâm có ở khắp nơi, vì vậy việc chặn các website khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả. Trẻ em cần một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả chặn lọc nội dung.
Các công cụ hiện tại chỉ giới hạn trong xử lý hình ảnh và văn bản, còn việc xử lý video đòi hỏi công nghệ phức tạp, hầu như không có công cụ chặn lọc video. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ xem video từ trên mạng.
Ngoài ra, bà Đinh Thị Như Hoa cũng lo ngại về nguy cơ phát tán, lộ lọt thông tin cá nhân, riêng tư của trẻ trên môi trường mạng. Một thực trạng dễ thấy hiện nay là bố mẹ lại chính là người thường xuyên chia sẻ thông tin, hình ảnh của con lên các trang mạng xã hội, điều này cũng dẫn đến những mối nguy hiểm cho trẻ.
Bảo vệ trẻ em khỏi các xâm hại trên môi trường mạng
Ông Đặng Hoa Nam cũng nêu thực tế thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng lừa đảo gọi điện báo con trẻ cấp cứu, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Vậy những đối tượng này lấy những thông tin rất riêng tư đó ở đâu để lừa đảo?
“Không ít bố mẹ vẫn vô tư chia sẻ hình ảnh, thông tin con học trường nào, đang có hoạt động gì, thậm chí còn định vị địa điểm của con đăng tải lên mạng xã hội.
Chính cha mẹ, người thân trong gia đình cần phải chủ động bảo vệ con em mình trên môi trường mạng. Phụ huynh cũng cần phải học cách làm cha mẹ, chủ động tìm hiểu nâng cao nhận thức, kiến thức, cách thức để bảo vệ con em mình tốt hơn trên môi trường internet; Cũng như hướng dẫn con khai thác tốt thế mạnh của công nghệ, đồng thời hạn chế con em tiếp xúc với thông tin xấu độc trên mạng", ông Đặng Hoa Nam cho hay.
Cục trưởng Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh rằng, trong công tác bảo vệ trẻ em, bên cạnh Nhà nước, tổ chức, xã hội, nhà trường, thì trước tiên trách nhiệm phải là của bố mẹ và gia đình bảo vệ con em mình. Nếu bố mẹ mà thiếu quan tâm, bảo vệ tốt các con của mình thì không ai có thể làm tốt hơn.
Cần phải có biện pháp để xác thực định danh trẻ em và giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội cho trẻ. Ảnh minh hoạ |
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” với các hoạt động, chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em một cách quyết liệt, có các biện pháp can thiệp trước mắt và lâu dài. Cùng với đó là việc thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại và phòng trách tai nạn thương tích.
Để trang bị thêm hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em, Chính phủ đang giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó đưa ra khái niệm về hành vi xâm hại trẻ em, thông tin độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên trên môi trường mạng là một trong những biện pháp quản lý quan trọng để thúc đẩy sự phát triển cũng như quản lý internet hiệu quả.
Để quản lý việc cung cấp thông tin, Dự thảo quy định các mạng xã hội, kênh thông tin có lượng người dùng lớn (khoảng 10.000 người theo dõi trở lên) cần cung cấp thông tin xác thực; Thực hiện việc đăng ký độ tuổi; Có tính năng thông báo, cảnh báo, chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung gây hại, không phù hợp với trẻ em và phải có bộ phận chuyên trách xử lý các yêu cầu để cơ quan quản lý có thể sẵn sàng phối hợp khi cần.
Cùng đó, phải có biện pháp để xác thực định danh trẻ em và giới hạn thời gian sử dụng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ em có đăng ký tài khoản sử dụng thì phải có biện pháp giúp cha mẹ, người chăm sóc trẻ giám sát các hoạt động.