Cảnh báo ngộ độc khí C0 do sử dụng máy phát điện bằng xăng
Khẩn cấp: Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở Yên Bái Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất tại các huyện ngoại thành Cảnh báo nguy cơ tai nạn chấn thương trong mùa mưa bão |
Sơ đồ thể hiện các triệu chứng sau khi ngộ độc khí C0 |
Vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 9 tuổi, địa chỉ tại Tứ Kỳ, Hải Dương vào viện trong tình trạng hôn mê, tím tái.
Bệnh sử ghi nhận gia đình sử dụng máy phát điện chạy bằng xăng trong phòng kín từ 0h ngày 9/9, đến khoảng 3h cùng ngày. Khi thấy trẻ lơ mơ, gọi hỏi không phản ứng, gia đình đã đưa trẻ đến cấp cứu tại cơ sở y tế sau đó chuyển đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng cho bệnh nhân thở oxy mask liều cao, đánh giá mức độ nặng, truyền dịch và chuyển sang Viện Y học biển để phối hợp điều trị oxy cao áp nhanh nhất, tránh để lại di chứng tổn thương não về sau. Nhờ vào việc phát hiện và xử trí kịp thời, hiện tại sau một ngày cấp cứu và điều trị, trẻ đã tỉnh táo, toàn trạng ổn, chưa ghi nhận di chứng tổn thương não và các cơ quan khác.
Khí Carbon monoxide (CO) là một chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp, rất khó nhận biết được sự có mặt của CO trong không khí. Hít phải khi này có thể khiến cơ thể bị ngộ độc và dẫn đến tử vong ở nồng độ cao.
Ngộ độc Carbon monoxide thường xảy ra khi người dân sử dụng các thiết bị sinh khí CO trong nhà hoặc trong không gian kín, không có đủ không khí lưu thông. Các nguồn ngộ độc CO phổ biến bao gồm: Khói từ đám cháy, lò đốt khí gas, bình nóng lạnh đun bằng khí ga; lò sưởi dầu hỏa, lò nướng than, bếp cắm trại và máy phát điện chạy bằng xăng, dầu hoặc gas; ô tô hoặc các phương tiện khác được để lại trong nhà, nhà kho và gara đỗ xe; đốt rơm, rạ trong những vụ gặt ở gần khu dân cư cũng là nguồn tạo ra một lượng khí CO cao.
Khi hít phải khí CO người bệnh thường có các triệu chứng phổ biến bao gồm: Đau đầu, buồn nôn và đau dạ dày, nôn mửa, chóng mặt, bệnh nhân cảm thấy rất yếu, chân tay giảm hoặc không vận động được, nặng hơn thì ngất xỉu…; trong trường hợp hít phải lượng lớn khí sẽ có các triệu chứng: Co giật, hôn mê, tổn thương não vĩnh viễn, nặng hơn thì tử vong.
Khi nghi ngờ ngộ độc khí CO, người dân cần gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc đưa người bênh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Người dân có thể ngăn ngừa ngộ độc khí CO bằng biện pháp: Chỉ sử dụng lò nướng than, lò sưởi ở ngoài trời, chúng có thể tạo ra carbon monoxide ngay cả khi không có khói; chỉ sử dụng máy phát điện bên ngoài và đảm bảo máy phát điện không ở gần cửa sổ hoặc cửa ra vào và đặt chúng ra xa nhà; không để xe chạy trong gara (ngay cả khi cửa gara mở); chỉ sử dụng các thiết bị chạy bằng nhiên liệu (chẳng hạn như máy rửa áp lực hoặc máy cưa bê tông) ở bên ngoài hoặc ở những nơi thông thoáng.