Cảnh báo về vấn nạn bạo lực học đường
Nữ sinh bị đánh, ép hút thuốc lá
Bạo lực học đường ở Việt Nam từ nhiều năm nay đã trở thành một vấn nạn nghiệm trọng, chỉ cần gõ cụm từ này vào Google, chỉ trong 0,31 giây đã cho ra khoảng 26.900.000 kết quả.
Mới đây, mạng xã hội bất ngờ lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị nhiều bạn học ép hút thuốc lá rồi tấn công gây xôn xao dư luận. Cụ thể, vào chiều 6/6, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh lớp 6, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ đã bị một nhóm học sinh (đang học tại một số trường THCS) đánh, lột quần áo, ép hút thuốc lá. Sự việc sau đó được quay lại và đăng tải lên mạng xã hội.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Chương Mỹ khẩn trương phối hợp các đơn vị nghiệp vụ xác minh, xử lý vụ việc theo quy định của của pháp luật.
Trước đó, vụ việc nam sinh lớp 8 bị đánh chết não do mâu thuẫn khi chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) cũng khiến dư luận không khỏi đau lòng.
Nữ sinh lớp 6, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ đang được người thân chăm sóc ở bệnh viện |
Là nạn nhân bị bạo lực học đường từ những năm học cấp II, bạn Vũ Hồng Hạnh (16 tuổi) đã mất hai năm chuyển sang một ngôi trường mới để tự chữa lành khủng hoảng tâm lý. “Đó là ngày năm tháng đáng sợ và kinh khủng nhất thời học sinh của em, các bạn nữ trong lớp đã cô lập em khỏi tập thể, thậm chí các anh chị lớp trên mỗi lần nhìn thấy em đều chửi mắng, buông lời tục tĩu rất khó nghe và đôi lúc còn tác động lên cơ thể em. Điều đó khiến em nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời nhưng may mắn được gia đình kịp thời phát hiện. Đến nay, tuy đã ổn hơn những em vẫn sợ những nơi đông đúc và khó hòa đồng với các bạn hơn”, Hồng Hạnh chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh với Hồng Hạnh, bạn Nguyễn Thu Hằng (14 tuổi) xót xa kể lại: "Em từng bị các bạn lột đồ, xé sách vở, bị mắng chửi bằng những từ ngữ miệt thị vô cùng xấu xa. Em là nạn nhân của bạo lực học đường nhưng lại phải đối diện với những câu hỏi mang tính chất chất vấn "phải làm gì thì mới bị các bạn đối xử như vậy".
Có thể thấy, thực trạng và mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường là vấn nạn được quan tâm hơn cả trong môi trường giáo dục hiện nay những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời.
Cần xây dựng môi trường sống và học tập lành mạnh
Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.
Đáng lo ngại hơn, thống kê của Bộ Công An cho thấy, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).
Một nạn nhân bị bạo lực học đường |
TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe Tâm Thần, BV Bạch Mai) cho biết, những học sinh bị bạo lực học đường như vậy sẽ để lại nhiều hậu quả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Sức khỏe thể chất có thể hồi phục được nhanh chóng nhưng vấn đề sức khỏe tâm thần sẽ kéo dài, khó hồi phục và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của học sinh cũng như gia đình.
"Những học sinh bị bạo lực học đường ở tuổi còn trẻ, dễ bị tổn thương, sẽ gặp khó khăn khi duy trì học tập ở môi trường xảy ra bạo lực. Không hòa đồng được với bạn bè, không muốn tiếp xúc giao tiếp, thậm chí muốn nghỉ học, chuyển trường, chuyển lớp. Học hành kém tập trung giảm sút kết quả, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm với những hành vi nguy hiểm cho mình và người xung quanh", TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền nhấn mạnh.
Chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng nhấn mạnh, nhiều học sinh bị bạo lực học đường đã phải đi khám và điều trị về vấn đề sức khỏe tâm thần. Vì vậy việc phòng ngừa bạo lực học đường là vấn đề rất quan trọng để giúp trẻ có thể thấy được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý cho rằng, việc con trẻ gây ra rắc rối có thể do các em chưa có nhiều tấm gương tích cực trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu nguyên nhân dẫn đến những hành vi này.
Hành vi của các em không biết kiểm soát sự giận dữ, không biết hóa giải các mâu thuẫn giữa bạn bè đồng trang lứa và thiếu hiểu biết pháp luật, a dua cùng bạn bè thực hiện những hành vi hạ nhục người khác và nghĩ nó là bình thường.
Do đó, phụ huynh nên cải thiện biện pháp kiểm soát và kỷ luật con cái một cách tích cực, hành xử trở thành một tấm gương cho con cái noi theo. Phụ huynh phải tạo lập ra và truyền đạt các tiêu chí về hành vi mong muốn của cha mẹ một cách rõ ràng cho con qua hành động, lời nói để con không tái diễn hành vi tương tự.
Chuyên gia tâm lý cũng đưa ra giải pháp, nhà trường cần tiếp tục cải thiện văn hóa học đường, xây dựng nội quy ứng xử an toàn, thân thiện và tôn trọng, áp dụng kỹ năng quản lý lớp học tích cực, triển khai các mô hình phòng chống bạo lực học đường như mô hình “hòa giải ngang hàng”.
Ngoài ra cộng đồng cần phát huy trách nhiệm trong việc giám sát học sinh sau giờ tan học, thiết lập những tuyến đường an toàn cho trẻ đến trường và về nhà hay đi tham dự các sinh hoạt trong cộng đồng, thiết lập các chương trình an ninh khu phố (liên gia canh gác) để giúp đỡ và kiểm soát trẻ có hành vi phạm pháp.