Sẽ có chuyên trách tư vấn tâm lý để ngăn bạo lực học đường
Đại biểu Quốc hội lo ngại vấn nạn ma túy xâm nhập học đường Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về nguyên nhân bạo lực học đường |
Sáng 8/11, phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM) đề nghị thể chế hóa quy định chi cho đoàn, đội bằng những quy định pháp luật, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Trả lời tranh luận của đại biểu Tô Thị Bích Châu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có vấn đề nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng cho giáo viên phụ trách về vấn đề này; bổ sung bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vào trong các cơ sở giáo dục; tăng cường triển khai các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, góp phần hạn chế, giảm khả năng phát sinh các vấn đề bạo lực, tiêu cực…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn |
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mong muốn nhận được phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này đó là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam...
Trước đó, trả lời chất vấn chiều 7/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.016 học sinh, trong đó có 854 là nữ, bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra một vụ.
Theo Bộ trưởng, các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp, số vụ có nhiều học sinh, nhất là học sinh nữ tham gia, xảy ra cả trong và ngoài trường học, khiến ngành giáo dục lo lắng, tìm mọi cách để cùng các địa phương xử lý.
Nói về nguyên nhân, ông Sơn cho biết, trường học có trách nhiệm phát hiện, xử lý những tình huống bạo lực, nhưng giáo viên, hiệu trưởng còn lúng túng về kỹ năng xử lý.
Bên cạnh đó, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, học sinh học online lâu dẫn đến vấn đề tâm lý khiến các em hay có cảm giác bực tức, ức chế.
Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao về việc hằng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó 70 - 80% có liên quan bạo lực gia đình.
"Học sinh trong các gia đình này có thể vừa chứng kiến, vừa bị bạo lực, bỏ rơi. Môi trường như vậy dẫn đến tỷ lệ học sinh liên quan bạo lực học đường rất lớn", ông Sơn chia sẻ.
Một nguyên nhân nữa được ông Sơn đưa ra là do mạng xã hội, phim ảnh liên quan bạo lực tập thể. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong các ngành liên quan cùng phối hợp để giải quyết.