Cảnh giác “ma trận” tin giả, xuyên tạc trên mạng xã hội
Cần tỉnh táo trước những thông tin xấu, độc
Những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Cùng với thói quen chia sẻ thông tin tùy tiện, không kiểm chứng và thiếu trách nhiệm, không ít người đã vô tình tiếp tay cho những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt theo cấp số nhân và sự nguy hiểm của nó không thua vi rút SARS-CoV-2.
Tại Hà Nội, thời gian qua, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử lý nhiều cá nhân đăng tin sai sự thật trên các diễn đàn, mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Mới đây nhất, ngày 28/7, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một phụ nữ ở quận Tây Hồ đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook với số tiền 12,5 triệu đồng.
Thời điểm 23h ngày 25/7, bà N.T.K.T (33 tuổi, ở chung cư Sixth Element Nguyễn Văn Huyên) đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng lên nhóm mua bán trên mạng xã hội dòng trạng thái có nội dung: "Sáng mai Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà tag và chia sẻ cho nhau biết nhé".
Theo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, nội dung bà T đăng tải là giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà N.T.K.T với số tiền 12,5 triệu đồng; Đồng thời buộc bà T gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Hiện, nội dung trên đã được bà T gỡ bỏ.
Lực lượng chức năng xử phạt những trường hợp đăng tin giả trên mạng xã hội |
Trước đó, chỉ trong ba ngày 12, 13 và 14/5/2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ tài khoản Facebook có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vi phạm quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Đó chỉ là số ít trường hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua bị xử lý về việc đăng tải các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch Covid-19.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị này đã phát hiện và xử lý trên 30 trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, các bộ phận chức năng của Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, yêu cầu gỡ thông tin đối với nhiều trường hợp khác.
Nguyên nhân các đối tượng đăng tin chủ yếu nhằm mục đích “câu view, câu like”, một số khác gửi tin nhắn cảnh báo trong các nhóm kín. Dù với bất kỳ hình thức nào, việc đăng những thông tin sai sự thật cũng gây hoang mang, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Cần mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm
Trước tình trạng nhiều thông tin giả về tình hình dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận, mới đây Bộ Công an đã hướng dẫn người dân các kỹ năng để nhận biết thông tin không đúng trên không gian mạng.
Theo đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chia sẻ, phát tán, bịa đặt thông tin sai sự thật, vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 đã bị xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vi phạm điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể sẽ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Thậm chí, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự, như Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.
Dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, hơn lúc nào hết những thông tin liên quan đến đại dịch này đang được người dân hết sức quan tâm. Đó cũng là lý do khiến những thông tin xấu, độc, gây hoang mang cho người dân diễn ra ngày càng phức tạp và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội.
Vì vậy, người dân nên chọn lọc thông tin từ các nguồn chính thống để đảm bảo việc phòng, chống dịch được thực hiện tốt. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong trận chiến chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, thì rất cần có sự chung sức, đồng lòng của người dân trong việc lên án những hành vi sai phạm và không chia sẻ những thông tin xấu, góp phần loại bỏ những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.