Không thể chấp nhận hành vi xuyên tạc giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám
|
Cách mạng tháng Tám với thành công cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội vào ngày 19/8/1945 đã góp phần giành chính quyền về tay Nhân dân, đưa nước ta từ thân phận nô lệ trở thành nước độc lập, tự do. Trong bất luận hoàn cảnh nào có những hoạt động, việc làm tưởng nhớ về những ngày mùa Thu cách mạng là trách nhiệm của Chính quyền và toàn thể nhân dân với đạo lý uống nước nhớ nguồn. (Ảnh: Tư liệu) |
Cách đây 76 năm, nhân dân ta đã nhất tề vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, tạo bước ngoặt trong lịch sử phát triển của dân tộc. Đó là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh của toàn dân tộc Việt Nam.
Hiện, cả nước đang cố gắng hết sức tìm mọi cách phòng chống dịch bênh, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân. Biết bao công sức của lực lượng y tế làm việc không biết mệt mỏi, không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi.
Họ đã và đang điều trị cho hàng trăm nghìn lượt người bị nhiễm Covid -19, cứu sống không biết bao nhiêu sinh mạng. Không chỉ hi sinh thời gian, công sức, hàng nghìn cán bộ y, bác sĩ đã không may bị nhiễm bệnh. Nhiều trường hợp trong số đó không may mắn đã hi sinh vì mắc Covid-19 khi điều trị cho các bệnh nhân.
Chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện không quản ngày đêm có mặt tại mọi điểm nóng để hỗ trợ người dân |
Chính quyền địa phương đến các lực lượng như công an, quân đội… không quản ngày đêm có mặt tại mọi điểm "nóng", mọi nơi nguy hiểm nhất để hỗ trợ người dân.
Họ đang làm việc ngày đêm với một tinh thần bất diệt là cố gắng kiềm chế dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống của người dân cũng như hạn chế đến mức tối đa các ca tử vong do Covid-19.
Chính vì sự hi sinh không biết mệt mỏi của biết bao cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế, nhiều người dân mới được bảo vệ trước sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, trong tình cảnh đó, vẫn có nhiều kẻ lợi dụng mạng xã hội để tìm mọi cách xuyên tạc, lôi kéo người dân gây hoang mang trong công tác phòng, chống dịch.
Một số người tìm mọi cách “lập lờ đánh lận con đen” hay “đánh tráo khái niệm hoặc “chống dịch trên Facebook”… nhằm lôi kéo những người dân thiếu sự am hiểu, gây hoang mang trong dư luận.
Mới đây, việc chính quyền Hà Nội treo các băng rôn nhằm tri ân, tưởng nhớ về ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng bị một số đối tượng “lập lờ đánh lận con đen” khi cho rằng thành phố Hà Nội nên “tiết kiệm để chống dịch”.
Hà Nội những ngày thực hiện đợt giãn cách xã hội thứ 2 và 3 trong năm 2021 cũng là thời điểm kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9. Để đảm bảo nguyên tắc chống dịch, Thành phố không tổ chức Lễ mít tinh, ngành Văn hóa chỉ tiến hành treo băng rôn, phướn chào mừng sự kiện đặc biệt của dân tộc trên một số tuyến phố.
Đối tượng thông tin sai sự thật trên mạng bị xử phạt hành chính |
Chỉ có vậy, nhưng trên không gian mạng một số người đã nhanh chóng quy chụp rằng trong bối cảnh đại dịch Hà Nội không tiết kiệm vẫn cứ phô trương; trong bối cảnh đại dịch, Hà Nội vẫn biểu ngữ, băng rôn chào mừng Cách mạng tháng Tám. Nên nhớ, để có độc lập, tự do, đất nước phát triển, hội nhập toàn diện với thế giới, đời sống nhân dân ấm no như hôm là công sức của biết bao thế hệ cha ông đã ròng rã chiến đấu gian khổ trên 80 năm, để dưới sự lãnh đạo Đảng, Nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám "long trời lở đất", nên không thể chấp nhận hành vi xuyên tạc giá trị lịch sử của Cách mạng tháng Tám.
Xin khẳng định Hà Nội không hoang phí, không vô cảm, mà Hà Nội đang làm bổn phận với những người đã hy sinh vì nền Độc lập tự do của Tổ quốc; không có họ sẽ không biết bao giờ có ngày Tết Độc lập mùng 2/9, không biết đến bao giờ chúng ta thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân để trở thành quốc gia độc lập - tự do, người dân được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Phàm đã sinh ra trong trời đất, bất cứ ai cũng có chút hãnh diện, tự hào cho riêng mình. Phạm vi gia đình, quốc gia cũng vậy. Với quá khứ oai hùng của tiên tổ, khi nhắc lại là góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc nhằm xây dựng đất nước giàu đẹp hơn.
Những ngày này, chính quyền và các lực lượng chức năng cả nước đang ngày đêm căng mình chống dịch để đảm bảo đời sống cho Nhân dân. Họ không có thời gian “chống dịch trên Facebook” như một số kẻ suốt ngày “rao giảng đạo đức” trên mạng xã hội.
Để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng Nhân dân, Hà Nội đã phải thực hiện giãn cách xã hội. Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, với tinh thần vào cuộc quyết liệt kịp thời của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở cùng với sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng xã hội và Nhân dân Thủ đô, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát.
Nhằm bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ Nhân dân vượt qua khó khăn. Hàng loạt các văn bản của HĐND, UBND thành phố được ban hành đã "thắp lên ngọn lửa nhỏ" ấm áp trong tim mỗi người dân Thủ đô. Trong đó, nhiều chỉ đạo không chỉ kịp thời, sát thực tế mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Đáng kể đến là 3 Nghị quyết của HĐND TP về một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch, hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt cho người dân… với tổng số tiền hỗ trợ trên 500 tỷ đồng.
Trong đó, Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của Thường trực HĐND TP quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là nội dung được nhiều người dân mong đợi nhất. Bởi trên thực tế, trong suốt thời gian qua, còn rất nhiều các nhóm đối tượng yếu thế, bị ảnh hưởng nặng trong dịch bệnh chưa được quy định tại Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội trước đó.
Đó là các hộ nghèo, hộ cận nghèo; Các đối tượng bảo trợ xã hội; Người có công với cách mạng, thương binh, thân nhân người có công… Đó còn là những người lao động làm việc tại hộ kinh doanh, làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, chấm dứt hợp đồng lao động do hộ kinh doanh, cơ sở giáo dục phải dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19...
Cùng với Nghị quyết 15/NQ-HĐND, Thường trực HĐND TP cũng đồng ý bổ sung 500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, HĐND TP cũng quyết nghị hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt 4 tháng cuối năm 2021 với mức hỗ trợ 100% tiền nước sạch cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố; Các hộ dân sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức sinh hoạt 1 (tối đa là 10m3 nước/hộ dân); Hỗ trợ 15% trên tổng hóa đơn tiền nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải trả của các hộ dân khác.
Tất cả những quyết định của Hà Nội đang thực hiện đều vì dân. Vì vậy, mỗi người dân Thủ đô luôn đoàn kết, thấu hiểu, cùng TP chung tay chống dịch. Những hành động của một số kẻ xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh TP Hà Nội đều bị lên án, xử lý nghiêm.