Cảnh giác với lời mời tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" qua mạng
Thêm chiêu trò lừa đảo mới
Trong tuần qua, đã xuất hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả mạo nhân viên Lotte Cinema tuyển người làm nhiệm vụ kiếm tiền “hoa hồng”.
Cụ thể, đối tượng gọi điện tự xưng nhân viên Lotte Cinema, tạo các trang mạng xã hội giả mạo chạy quảng cáo để mời chào cộng tác viên online xem, đánh giá video, phim để nhận tiền thưởng hấp dẫn.
Khi nạn nhân đồng ý tham gia, đối tượng dụ dỗ nạn nhân vào nhóm Telegram để gặp nhân viên chăm sóc khách hàng; hướng dẫn truy cập website có giao diện, hình ảnh giả mạo Lotte Cinema để thực hiện nhiệm vụ kiếm tiền trực tuyến.
Ban đầu khi xem và đánh giá phim, nạn nhân sẽ được trả một khoản tiền nhỏ để tạo niềm tin. Đến các nhiệm vụ tiếp theo, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền để nhận lại số tiền hoa hồng lớn so với tiền nạp để thực hiện nhiệm vụ.
Người dân cần cảnh giác với những lời mời chào làm "việc nhẹ lương cao". Ảnh theo Cục An toàn thông tin |
Lúc này, các đối tượng sẽ báo lỗi, tiền bị treo để yêu cầu nạn nhân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới và được hoàn trả lại số tiền cũ. Do tâm lý ham lợi, nạn nhân đã bị đối tượng lừa đảo dụ dỗ nạp số tiền lớn. Đến khi nạn nhân hết khả năng nạp tiền thì mới biết mình bị lừa đảo.
Vì vậy, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin trên mạng. Người dân tránh tâm lý nôn nóng ham muốn kiếm tiền trực tuyến. Không tin vào các lời mời tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội. Đặc biệt, không nên tin vào những lời mời gọi hấp dẫn, hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm.
Người dân cũng nên lưu ý, không chấp nhận đặt cọc, ứng tiền trước. Chỉ tìm việc làm thông qua trung tâm của nhà trường hay các tổ chức chính trị, xã hội; những đối tượng tuyển dụng có địa chỉ, pháp nhân rõ ràng, phải biết được nơi tuyển dụng cụ thể.
Không đăng nhập các đường link lạ do những người không quen biết hoặc chỉ quen qua mạng xã hội gửi, có nguy cơ chứa mã độc và có thể bị chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Trường hợp nghi vấn phải tham khảo ý kiến người thân trong gia đình, những người hiểu biết để được tư vấn hoặc có thể liên hệ cảnh sát khu vực hoặc cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.
Các biện pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến
Để phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo mới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 397/TTCS-TTTH về việc tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trực tuyến. Cụ thể, 10 biện pháp đưa ra để người dân phòng tránh lừa đảo trực tuyến gồm:
Thứ nhất, bảo vệ thông tin cá nhân: Không công khai ngày tháng năm sinh, số CCCD/CMND, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… trên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo..
Thứ hai, kiểm tra và cập nhật: Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và cần bảo mật tuyệt đối thông tin các tài khoản trên (tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực OTP hoặc số thẻ tín dụng… và không cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa xác định được danh tính).
Người dân cần đề phòng các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới |
Thứ ba, cẩn trọng xác minh: Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội vay tiền cần trực tiếp gọi điện thoại để xác nhận kỹ thông tin trước khi chuyển tiền.
Thứ tư, tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn: Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn hoặc quà có giá trị lớn.
Thứ năm, trình báo tại cơ quan công an nơi gần nhất: Khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước hay lực lượng công an để thông báo, đe dọa mình có liên quan đến vụ án, cần liên lạc ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo.
Thứ sáu, cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch: Không truy cập các đường link trong tin nhắn hay email lạ không rõ nguồn gốc, không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng…
Thứ bảy, cẩn trọng trước lời mời chào hấp dẫn: Không nên nghe và làm theo những lời hướng dẫn, giới thiệu, dụ dỗ làm theo các cách thức làm việc nhẹ, kiếm tiền dễ. Cảnh giác trước các thông tin thông báo nhận thưởng qua mạng…
Thứ tám, cẩn trọng khi cài ứng dụng, phần mềm: Không cài đặt trên điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực. Khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, cần liên hệ ngay nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác mình. Nếu bị mất điện thoại, cần nhanh chóng báo cho nhà mạng để khóa sim kịp thời.
Thứ chín, quản lý đăng ký tài khoản ngân hàng: Không mở, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác. Khi phát hiện đối tượng có hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Thứ mười, cẩn trọng đối với các website, ứng dụng giả mạo: Tuyệt đối không truy cập website, ứng dụng trong tin nhắn nhận được, trang web có nội dung không rõ ràng, giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng.