Cảnh giác với những "cú lừa" trên mạng
Lật tẩy thủ đoạn lừa đảo mới
Công an quận Hoàn Kiếm cho biết đang tạm giữ Nguyễn Đình Mạnh (sinh năm 1992; ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) để điều tra hành vi lừa đảo.
Theo cơ quan công an, đây là thủ đoạn lừa đảo mới khi đối tượng rất tinh vi tạo ra nhiều tài khoản mạng xã hội “ảo” rồi vào bình luận trên trang “Mua bán điện thoại cũ Hà Nội”. Các tài khoản này của Mạnh tự tương tác với nhau để tăng thêm phần uy tín, làm nhiều người sập bẫy.
Cụ thể, vào sáng 14/10, Mạnh sử dụng nick Facebook ảo tự tạo để bình luận vào nhóm “Mua bán điện thoại cũ Hà Nội”. Thấy một tài khoản đăng bán điện thoại iPhone 11 Promax màu đen với giá 9,8 triệu đồng, Mạnh liền bình luận trong bài viết với nội dung đồng ý mua, hẹn gặp người này giao hàng tại ngõ Phất Lộc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chiều 15/10, Mạnh nhận được điện thoại thông báo giao hàng. Khi hai bên gặp nhau, đối tượng vờ kiểm tra điện thoại như thể có nhu cầu mua thật, sau đó thỏa thuận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Nguyễn Đình Mạnh bị tạm giữ |
Tuy nhiên, đối tượng không chuyển khoản ngay mà chọn hình thức đặt lịch chuyển khoản và đưa cho người bán xem giao dịch thành công rồi cầm điện thoại đi mất. Ngày 16/10, Mạnh mang chiếc điện thoại đến phố Đặng Dung, quận Ba Đình, Hà Nội bán được hơn 8 triệu đồng.
Trước đó, với cùng thủ đoạn, ngày 9/10, Nguyễn Đình Mạnh đã lừa đảo, chiếm đoạt chiếc điện thoại iPhone 12 Promax màu xanh, sau đó bán được 16,7 triệu đồng.
Với hình thức lừa đảo mới này, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với phương thức thanh toán bằng cách chuyển khoản nhưng đặt lịch chuyển mà không chuyển ngay để thể hiện giao dịch vẫn báo thành công.
Vì nếu tài khoản không có tiền hoặc ngay sau đó hủy giao dịch thì nghiễm nhiên, đối tượng xấu sẽ chiếm đoạt thành công tài sản. Sau đó, tội phạm chỉ cần chặn người gọi hoặc bỏ sim “rác” đã sử dụng để bị hại không thể tìm thấy.
Người dân phải đề cao cảnh giác, nâng cao hiểu biết pháp luật
Ngoài thủ đoạn trên, các đối tượng còn sử dụng nhiều “chiêu trò” khác để lừa đảo, như: Tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội về nạn nhân, rồi giả danh cán bộ các cơ quan hành pháp gọi điện để đe dọa, nói nạn nhân có liên quan đến các vụ án, đề nghị cung cấp thông tin để phục vụ công tác điều tra, gợi ý nộp tiền "chạy tội" hoặc cung cấp những thông tin cá nhân để chúng chiếm đoạt phục vụ mục đích lừa đảo. Nhiều đối tượng tìm cách chiếm quyền điều khiển tài khoản Facebook, giả danh chủ tài khoản mạng xã hội để lừa vay tiền, mượn tài sản...
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi. Thông qua các hoạt động trên mạng xã hội, chúng tìm hiểu về các mối quan hệ của người bị hại; Tạo các tài khoản giống với bạn bè, người thân của người bị hại sau đó nhắn tin, nhờ chuyển khoản, vay tiền.
Trường hợp anh H (trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) là một điển hình. Anh H nhận được tin nhắn vay tiền từ tài khoản Facebook giống với người thân của anh. Để xác nhận mình nói chuyện với đúng người, anh H yêu cầu người này gọi video thông qua ứng dụng Facebook Messenger. Người này gọi lại và anh H xác nhận đúng là người quen, rồi đồng ý chuyển khoản tiền 50 triệu đồng.
Sau này, đến hạn trả tiền, anh H liên lạc vào tài khoản Facebook nói trên thì bị chặn. Thấy khả nghi, anh H đến nhà tìm thì mới biết mình bị lừa. Người thân của anh chưa bao giờ liên lạc hay vay tiền. Thì ra, các đối tượng đã sử dụng những hình ảnh trên tài khoản Facebook hiện có của người này để tạo Facebook giả danh, dùng phần mềm giả hình ảnh để gọi điện thông qua ứng dụng Facebook Messenger.
Người dùng mạng xã hội cần cảnh giác với những chiêu lừa trên mạng |
Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Trưởng phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an): Không gian mạng tiềm ẩn nhiều loại tội phạm với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, xảo quyệt.
Người dùng internet và mạng xã hội cần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân cho những người và tổ chức không có thẩm quyền, không có địa chỉ rõ ràng. Khi bị "mắc bẫy" lừa đảo, nạn nhân cần liên hệ ngay với cơ quan công an để phối hợp điều tra, xử lý. Đối với những giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng, chủ tài khoản cần liên hệ với ngân hàng để tra soát các giao dịch.
Được biết, Bộ Công an đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tăng cường biện pháp quản lý khi cung ứng, phát hành sim điện thoại trả trước và thẻ ngân hàng, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng sim rác và tài khoản ngân hàng vào các hoạt động lừa đảo.
Tuy nhiên, trước hết, mỗi người phải đề cao cảnh giác, nâng cao hiểu biết pháp luật và trình độ công nghệ thông tin để tránh bị lừa, đặc biệt là không "mắc bẫy" bởi chính lòng tham của mình.