Cầu Long Biên - 120 năm soi bóng nước sông Hồng
Hà Nội lập tổ chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên |
Một trong những biểu tượng của Hà Nội
Hà Nội mang vẻ đẹp lịch sử ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ văn hoá, kết tinh văn minh của đất nước. Cùng với Văn Miếu, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, Cột cờ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Lăng Bác... thì một trong những hình ảnh đặc trưng, độc đáo mà chúng ta không thể không nhắc tới khi đề cập tới Hà Nội là cầu Long Biên - cây cầu được ví như “tháp Eiffel nằm ngang” vắt qua dòng sông Hồng.
Vẻ đẹp của cây cầu 120 tuổi |
Cầu Long Biên (tên cũ là cầu Paul Doumer) là cây cầu bắc qua sông Hồng mà để kết nối quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình với quận Long Biên của Hà Nội. Chiếc cầu được xây dựng từ 1898 tới 1902 bởi công ty Daydé & Pillé, và được sử dụng vào năm 1903. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: 1899 - 1902 - Daydé & Pillé - Paris.
Khi Paul Doumer đưa ra ý tưởng xây dựng một cây cầu lớn bằng sắt bắc qua sông Hồng dài 1.600m và đã vấp phải rất nhiều ý kiến cho rằng đây là một ý tưởng điên rồ và không thể thực hiện được. Nhiều người còn đả kích, châm biếm ý tưởng đó: “Đặt một cây cầu ngang sông Hồng à? Thật là điên rồ! Thật y như muốn chồng lên núi để lên trời”.
Bỏ ngoài tai những lời đả kích, phê phán, chế giễu của dư luận, Paul Doumer vẫn quyết định xây cầu. Cây cầu Long Biên dài 1.682m được thiết kế theo u rầm chìa và kỹ thuật này đã được sử dụng lần đầu tiên để xây dựng cầu Tolbiac trên tuyến đường sắt từ Paris đến Orléans.
Những sự kiện lịch sử gắn với cầu Long Biên
Cầu Long Biên đã chứng kiến những dấu mốc quan trọng nhất của dân tộc hai cuộc kháng chiến lớn nhất của dân tộc ta chính là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp đến là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Năm 1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, cây cầu đã trở thành nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Bác, người dân vui và tự hào, hạnh phúc bao nhiêu thì cây cầu đều chứng kiến giây phút đó.
Vào tháng 10/1954, Hà Nội ngập trong biển cờ hoa mừng Ngày Giải phóng Thủ đô, cầu Long Biên cũng đứng đó và chứng kiến niềm hân hoan của dân tộc. Rồi 21 năm sau đó, cây cầu lại một lần nữa chứng kiến niềm vui độc lập thống nhất đất nước, miền Nam được giải phóng. Cứ như thế, trải qua 120 năm lịch sử, cây cầu không còn là một hiện vật vô tri vô giác, nó như người bạn đồng hành cùng mỗi người dân và đất nước ta vậy.
Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi
(vè dân gian)
Những trải nghiệm thú vị
Cầu Long Biên có lẽ là cây cầu gắn với nhiều kỉ niệm. Tồn tại qua bao nhiêu năm lịch sử, cùng lớn lên với không biết bao nhiêu thế hệ, cây cầu dường như đã trở thành một phần ký ức đẹp không thể lãng quên.
Cầu Long Biên là nơi những bạn trẻ thường chạy xe ra đứng hóng gió vào một ngày hứng lên hay khi cảm thấy bí bách, cần một không gian thoáng đãng để thở. Đó cũng là nơi các bạn sinh viên vẫn hay tụ tập ngồi lại đàn hát vui vẻ, là nơi lưu giữ những kỉ niệm tuổi trẻ.
Cây cầu “chứng nhân lịch sử” còn là một địa điểm check in chụp ảnh lý tưởng, có nhiều phương tiện qua lại nên đừng quên cẩn thận và giữ an toàn nhé khi đến thăm nơi này nhé.
Mùa đông đến, bên cầu Long Biên thực sự sẽ thành nơi lý tưởng nhất để ngồi lại nhâm nhi củ khoai, bắp ngô nướng nóng hổi, vừa ăn, vừa tận hưởng cái không khí lành lạnh, nghe tiếng gió rít bên tai. Ngồi lại đây uống thêm cốc trà nóng, đưa tay tìm hơi ấm từ bếp lửa, hẳn là một cảm giác ấm áp tuyệt vời vô cùng.
Xung quanh Cầu Long Biên cũng có rất nhiều quán ăn ngon, quán café đẹp và những địa điểm vui chơi thú vị. Bãi đá sông Hồng chắc không còn là địa điểm lạ lẫm gì đối với giới trẻ bởi nơi đây là điểm chụp quen thuộc của rất nhiều người, khung cảnh bao la, xanh bát ngát rộng lớn chắc chắn sẽ khiến bạn có những bức hình đẹp tựa như đang ở thảo nguyên nào đó vậy.
Còn nếu muốn ngắm trọn khung cảnh cầu Long Biên thì đừng quên ghé tới quán cafe Trần Nhật Duật bạn nhé. Tại tầng 4 của quán, với không gian mở chúng ta có thể ngắm cây cầu Long Biên ở phía xa xa.
Đến đây, bạn vừa có thể thưởng thức tách cafe, vừa chuyện trò và nhìn ra xa là cây cầu cổ kính, bãi đá sông Hồng, khu chợ sầm uất và cả một vùng không gian rộng lớn. Nơi đây sẽ cho bạn một góc nhìn khác về cầu Long Biên, đó là góc nhìn từ trên cao thay vì nhìn thẳng hay nhìn “hất” từ phía dưới bãi đá sông Hồng lên.
Đặc biệt nhất, mùa lau lách bạt ngàn bên sông sẽ mang đến cho mỗi người những cảm xúc riêng biệt. Đứng trên cầu, nhìn xuống dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy bên dưới, bờ bãi lau lách xạc xào trắng tinh phơ. Đưa mắt ra xa, cả một bầu trời rộng lớn mênh mang trong cái gió lạnh đầu đông về, tay khẽ đặt lên thành cầu, ta nghe như tiếng cây cầu đang thủ thỉ tâm tình, đang vui vẻ hân hoan chào đón một mùa mới nữa của Hà Nội.
Tin rằng, cây cầu cũng như con người, ngày càng yêu, càng quý, càng gắn bó với mảnh đất này bằng cả trái tim và tâm hồn mình.