“Cầu nối” thông tin với đồng bào dân tộc thiểu số
Kênh tuyên truyền có hiệu quả
Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 108 nghìn người thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã; chiếm 1,3% dân số toàn thành phố.
Trong đó, các dân tộc: Mường chiếm 57,71%; Tày 17,81%; Thái 6,61%; Nùng 5,85%; Dao 4,32%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống quần cư thành thôn ở 13 xã và 1 thôn thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức với tổng diện tích tự nhiên trên 30.000ha (chiếm 10% diện tích toàn thành phố).
Trên địa bàn thành phố có gần 108 nghìn người thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã |
Những năm qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, 100% xã dân tộc miền núi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt chuẩn Nông thôn mới. Có được những kết quả nổi bật này là nhờ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc, tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc và báo chí chính là “cầu nối”, kênh tuyên truyền có hiệu quả, đáng tin cậy.
Theo đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền triển khai thực hiện chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia… đến đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố.
Các ấn phẩm báo, tạp chí, chuyên đề, chuyên trang được đưa tới tận tay đồng bào các dân tộc đã góp phần tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt, những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi đến đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Nhờ tiếp cận các thông tin kịp thời, người dân vùng dân tộc thiểu số ở Ba Vì đã từng bước phát triển kinh tế gia đình |
Thông qua việc tiếp cận với báo chí, nhiều hộ đã thực hiện các quy trình canh tác mới, chủ động đầu tư thâm canh, đưa các giống mới có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật chế biến, bảo quản nông sản vào đời sống và sản xuất; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Báo chí đã góp phần giáo dục ý thức nền nếp cho học sinh người dân tộc thiểu số, giúp các em nắm được thông tin bổ ích phục vụ cho học tập, rèn luyện, tìm tòi, khám phá kiến thức mới thông qua nhiều chuyên mục sinh động. Qua đó, các em có sự say mê tìm hiểu, chăm học chăm làm, nâng cao được kỹ năng tiếng Việt, nhất là đối với những học sinh dân tộc ít người sống ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, báo chí cũng góp phần tích cực vào giáo dục ý thức của đồng bào trong việc giữ gìn môi trường, bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc; vận động đồng bào biết quý trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng bản làng, gia đình văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội.
Đồng bào dân tộc thiểu số luôn quý trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống |
Nhấn mạnh vai trò của báo chí đối với công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết: Với hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, góp phần đưa chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số một cách sâu rộng; nâng cao hiểu biết, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc thành phố cũng tham mưu UBND thành phố, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn Hà Nội.
Với đa dạng loại hình báo chí tuyên truyền đã giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với các loại hình báo chí, đọc sách, nghe đài, xem ti vi, đọc báo điện tử, trang thông tin điện tử trên máy tính hoặc điện thoại thông minh… Hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã bên cạnh việc tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, còn có chương trình phát thanh riêng, phát ngày 2 - 3 lần vào sáng sớm, trưa, chiều tối, cung cấp nhiều thông tin thiết yếu đến đồng bào. Qua đó, các kênh này đã phát huy vai trò là phương tiện, công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền ở cơ sở, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vùng dân tộc thiểu số
Thời đại 4.0 với sự phát triển mạnh của điện thoại thông minh, khi báo điện tử và mạng xã hội là kênh tiếp cận thông tin chính ở các thành phố lớn thì báo in, và tạp chí vẫn là kênh thông tin được đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận.
Diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số sinh sống ngày càng khởi sắc |
Các ấn phẩm báo với hình ảnh phong phú, cách thể hiện đơn giản, dễ hiểu, mang tính phổ thông đại chung phù hợp với trình độ phát triển của người dân tộc thiểu số, miền núi. Chính các ấn phẩm báo chí đã giúp lãnh đạo địa phương định hướng thông tin tuyên truyền đến bà con. Hơn nữa, các ấn phẩm báo in bà con có thể truyền tay nhau, sau khi đọc xong trở thành tài liệu lưu trữ quan trọng của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội) cho hay: Xã có khoảng hơn 3.000 hộ, gồm 2 dân tộc Kinh, Mường là chủ yếu, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 48% dân số. Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì, cơ sở hạ tầng của Vân Hòa có nhiều thay đổi, đời sống Nhân dân được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi và có nhiều khởi sắc. Nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Vân Hòa cũng đã vươn lên thoát nghèo.
Nếu như năm 2017, xã Vân Hòa có 409 hộ nghèo, 104 hộ cận nghèo, thì đến năm 2023 chỉ còn 34 hộ nghèo (1,13%), 65 hộ cận nghèo (2,16%). Nhờ đó, bình quân thu nhập đầu người/năm của xã đạt 54,7 triệu đồng (tăng 2,4 triệu đồng so với năm 2021); hoàn thành vượt chỉ tiêu giao 7 tiêu chí, hoàn thành chỉ tiêu được giao 8 tiêu chí. Năm 2021, Vân Hòa được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới và đang phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Nhờ tìm hiểu, ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, người dân Ba Vì (Hà Nội) đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương |
Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình kinh tế gắn với du lịch, xây dựng thành công 27 sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Vân Hòa đã góp phần tích cực tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường được chú trọng…
Có được sự thay đổi tích cực đó là nhờ vào công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân được tiếp cận với các thông tin, mô hình phát triển kinh tế, gương người tốt việc tốt... qua nhiều kênh khác nhau, trong đó quan trọng nhất là báo chí và mạng xã hội, nhờ vậy, người dân dễ dàng ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Không chỉ riêng xã Vân Hòa (Ba Vì), theo ông Nguyễn Nguyên Quân, nhờ sự đầu tư tập trung, hiệu quả, đến nay, toàn bộ 13 xã và 1 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Các xã vùng dân tộc thiểu số đều không còn là xã đặc biệt khó khăn. Những chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Đến nay, toàn bộ 13 xã và 1 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 5 huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới |
Có thể thấy rằng, việc quan tâm, tăng cường công tác thông tin, truyền thông tới vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các cơ quan báo chí, truyền thông đã góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước. Qua đó, giúp họ thay đổi nhận thức, tự vươn lên bằng chính khả năng, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố.