Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số
Phụ huynh mong muốn tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục Đối thoại, sẻ chia, nâng cao chất lượng giáo dục Trường học gắn kết, thầy cô trách nhiệm nâng cao chất lượng giáo dục |
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Tổ chức Đối tác toàn cầu về giáo dục (GPE), Quỹ Nippon (TNF) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) tổ chức khởi động dự án nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam.
Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam được quỹ GPE và NIPPON viện trợ 100% với tổng kinh phí là 121 tỷ đồng, tương đương 5,15 triệu đô la Mỹ.
Đại diện 4 đơn vị phối hợp cắt băng khởi động dự án nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam |
Dự án gồm 3 cấu phần: Đảm bảo trẻ em dân tộc thiểu số lứa tuổi mầm non được tiếp cận tăng cường Tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; tăng cường sử dụng tiếng mẹ đẻ và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trong trường tiểu học; tăng cường giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật và trẻ em dân tộc thiểu số.
Dự án được khởi động từ tháng 3/2024 và hoàn thành vào tháng 12/2026. Đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án là trẻ em mầm non của 6 dân tộc Mông, Ê đê, Khmer, J'rai, Bahnar, Thái được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tham gia tốt các hoạt động tại trường mầm non và sẵn sàng vào lớp 1. Học sinh tiểu học của 8 dân tộc Bahnar, Chăm, Êđê, Khmer, J'rai, Mnông, Mông, Thái được tăng cơ hội học và sử dụng tiếng mẹ đẻ, tiếp cận với các tài liệu về văn hóa của dân tộc mình. Trẻ em khuyết tật được hỗ trợ về giáo dục hòa nhập, các kỹ năng đặc thù để từng bước hòa nhập và học tập có hiệu quả hơn.
Đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án là trẻ em dân tộc thiểu số |
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi: Thời gian qua, giáo dục Việt Nam đã có bước phát triển, giáo dục từ mầm non đến đại học có sự thay đổi cơ bản, qua đó đảm bảo nhu cầu học tập, quyền được học tập của trẻ em, học sinh. Tuy nhiên, đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù đã có những thay đổi về chính sách, về y tế nhưng trẻ em khuyết tật vẫn còn chiếm tỷ lệ không nhỏ và đang rất cần sự quan tâm, chung sức của gia đình, nhà trường, xã hội.
“Chúng tôi rất vui mừng khi Tổ chức Đối tác toàn cầu về giáo dục, Quỹ Nippon và Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã hướng tới những đối tượng hỗ trợ mà Việt Nam đang rất cần là trẻ em vùng dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật. Đó không chỉ là hướng tới phổ cập giáo dục, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục mà còn là hướng đến sự nhân văn cao cả của giáo dục”, Thứ trưởng nói.
Thông tin về những chế độ, chính sách mà Chính phủ Việt Nam đã làm thời gian qua nhằm quan tâm, hỗ trợ trẻ em yếu thế, Thứ trưởng đồng thời cũng cho biết, Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các quỹ khác nhau nhằm hỗ trợ trẻ em yếu thế và bày tỏ mong muốn sẽ nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ hơn nữa.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cam kết, Bộ GD&ĐT sẽ giao nhiệm vụ cho các Vụ, Cục, các đơn vị liên quan để phối hợp triển khai hiệu quả nguồn quỹ. Trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục đồng hành, cùng trao đổi thông tin, nếu có khó khăn, vướng mắc sẽ cùng tháo gỡ. “Quan trọng là hiệu quả và chất lượng”, Thứ trưởng khẳng định.